Chia sẻ định hướng nghề nghiệp
Với thông điệp: “GDNN thực học, thực hành - vững khởi nghiệp, sáng tương lai”, ngày hội đã diễn ra chương trình tọa đàm, trao đổi trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở GDNN, các doanh nghiệp với người lao động. Các cơ sở GDNN tham gia tư vấn tuyển sinh nghề nghiệp; các doanh nghiệp tham gia tư vấn tuyển dụng lao động trong nước và lao động xuất khẩu. Trong khuôn khổ ngày hội đã diễn ra các hoạt động tại gian trưng bày: giới thiệu về cơ sở GDNN, giới thiệu ngành/nghề đào tạo; tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp phát tài liệu, tờ rơi quảng cáo, tặng quà lưu niệm; tư vấn, giới thiệu về việc làm, học nghề; thông tin về các ngành, nghề cần thiết trong tỉnh và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế, phục vụ đi làm việc ở nước ngoài...
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Toàn tỉnh hiện có 24 cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN, trong đó có 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN, 8 cơ sở khác tham gia hoạt động GDNN. Năm 2022, các cơ sở GDNN đã tuyển mới và đào tạo nghề cho gần 18.000 người, đạt 179,3% so với kế hoạch năm. Theo ông Thành, chỉ tiêu phân luồng học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng để các cấp, các ngành cùng vào cuộc hoàn thành chỉ tiêu theo Kế hoạch số 179 của Tỉnh ủy Bình Thuận thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến năm 2025, thu hút từ 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2030, thu hút từ 50 - 55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, để đạt được những kết quả như mong đợi các em học sinh là những nhân tố quan trọng nhất. Tại Bình Thuận, có rất nhiều con đường cho các em lựa chọn để phát triển và trưởng thành từ hệ thống cơ sở GDNN đến các chính sách hỗ trợ cho các em khi tham gia học tập. Chính vì vậy, ngày hội kênh thông tin bổ ích để các em tìm hiểu, lắng nghe các chuyên gia trong lĩnh vực GDNN; các doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm, những định hướng nghề nghiệp, nhu cầu lao động để các em tham khảo và có thể lựa chọn các ngành nghề, việc làm phù hợp với khả năng của mình trong tương lai.
Đẩy mạnh tư vấn và giới thiệu việc làm
Cũng tại ngày hội, ông Nguyễn Nam Long - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết đã thông tin về định hướng phát triển kinh tế - xã hội về giáo dục nghề nghiệp và phát triển giáo dục đào tạo của thành phố. Theo đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng năm, nhu cầu lao động của thành phố trên 10.000 lao động; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho trên 9.500 lao động. Thời điểm này, thành phố đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm để người lao động biết và tích cực tham gia học nghề và tự tạo việc làm nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ tư vấn và giới thiệu việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận đầy đủ các thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp để người lao động có thể lựa chọn nghề phù hợp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thu hút nhiều lao động, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động và hạn chế tình trạng người lao động bị mất việc làm...
Ngày hội là dịp để các cơ sở GDNN, trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu trực tiếp, đầy đủ đến các em học sinh về tiềm năng, thế mạnh, ngành nghề, quy mô đào tạo, phương thức tuyển sinh của các trường. Đồng thời, thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước, trực tiếp tư vấn cho học sinh và người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân.