Bây giờ vào thôn Tân Quang (Sông Phan) chẳng khó khăn khi nhìn thấy những vườn thanh long bạt ngàn, xanh thẫm. Những sân phơi với sản lượng nông sản lớn, là minh chứng cho một quá trình mà ở đó, nghèo khó luôn là nỗi ám ảnh của những nông dân chất phác. Cuối năm 2022, huyện Hàm Tân còn 415 hộ nghèo, trong đó có tính số hộ ở thôn này, chiếm tỷ lệ 2,04% so với tổng số hộ dân toàn huyện, thấp hơn 0,54% so với mức bình quân chung của tỉnh.
Sự thật về tỷ lệ hộ nghèo, cho thấy đó là kết quả chung cả hệ thống chính trị mà những năm qua huyện Hàm Tân đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cụ thể tập trung cho những thôn nghèo như Tân Quang. Đối với Tân Quang, cần thiết nhất chính là chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách xã hội khác theo các nghị định của Chính phủ.
Chính những đổi thay của Tân Quang, đã góp phần cho một Sông Phan rất khác, những vườn trái cây xanh tốt, phủ xanh trên khắp sườn núi, ruộng rẫy… Một Sông Phan đã bỏ lại sự khô cằn, để ươm xanh trên vườn đồi. Sức sống bật dậy, đó là điều dễ nhận thấy trên vùng đất Sông Phan nói chung, tại vườn thanh long của chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (xã Sông Phan) nói riêng. Hộ chị Phượng là một trong nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ đồng vốn chính sách. “Có được như hôm nay là nhờ nguồn vốn này mà mình mới có điều kiện phát triển kinh tế, giờ thì ổn nhiều hơn trước” – chị Phượng cho biết. Hộ chị Phượng là hộ người dân đồng bào dân tộc thiểu số, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện vay vốn để đầu tư cho vườn thanh long. Từ 50 triệu đồng vay được, chị có tiền để mua phân thuốc, cũng như đầu tư thêm hệ thống tưới cho vườn thanh long 500 trụ đã xuống giống trước đó. Những lứa thanh long thu hoạch đã giúp chị có tiền để trang trải cuộc sống, sửa sang nhà cửa, nuôi con ăn học. Câu chuyện từ những đồng vốn với gia đình chị Phượng bắt đầu tư hơn 3 năm về trước.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Khuyên – Tổ vay vốn xã Sông Phan – huyện Hàm Tân, chia sẻ: Ở Tân Quang nói riêng và xã Sông Phan nói chung có rất nhiều hộ vay, phát triển kinh tế từ nguồn vốn mà Ngân hàng Chính sách hỗ trợ. Điều đáng mừng là những hộ vay đều cần mẫn, chí thú làm ăn với khát khao thoát khỏi nghèo khó nên mới có được như hôm nay.
Tân Quang trước kia và một Tân Quang bây giờ khác. Trù phú hơn, từ đường sá, trường trạm đều có sự hồi sinh mạnh mẽ. Ở Tân Quang có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số là chủ nhân của những vườn cây có giá trị kinh tế, mà khởi đầu của nó được xây dựng, làm nên từ vốn vay tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác. Họ đã biết tận dụng nguồn vốn hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện đời sống kinh tế gia đình, như đòn bẩy để vực dậy và bước qua những khó khăn.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Tân, cho biết: Từ đầu năm đến nay đơn vị đã tạo điều kiện cho hơn 1.340 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn huyện được tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp theo các nghị định của Chính phủ với tổng số tiền giải ngân gần 47,4 tỷ đồng. Trong đó tập trung cho vay các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vay giải quyết việc làm, hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo. Nguồn vốn tín dụng được giải ngân kịp thời đến đối tượng thụ hưởng; hồ sơ, thủ tục vay vốn được kiểm tra chặt chẽ, nhằm tránh trường hợp trục lợi chính sách của Nhà nước. Sau khi giải ngân, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra thực tế hộ vay, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích.