Đó là nguồn vốn vay chỉ ưu tiên cho khách hàng cũ thân thiết vay lại, không đủ nguồn vốn cho vay mới. Anh Trần Đại, giám đốc công ty khá lớn chuyên về sản xuất cung cấp sắt, thép và vật liệu xây dựng với nhiều chi nhánh trong tỉnh bức xúc: Công ty tôi vay 15 tỷ đồng, rút 10 tỷ đồng còn “ký gởi” 5 tỷ đồng nhưng đến khi cần rút để lo mùa Tết Nguyên đán thì ngân hàng báo hết nguồn. Khi nghe tin có thêm “room” tín dụng tôi liên lạc với nhân viên ngân hàng nhưng vẫn không có nguồn, ngân hàng động viên qua đầu năm 2023 sẽ giải quyết. Thiếu vốn nên mọi kế hoạch kinh doanh, sản xuất của công ty đảo lộn, doanh số hoạt động giảm đáng kể.
Trường hợp anh Đại vay với số tiền tương đối lớn ngân hàng bị hụt nguồn đã đành nhưng nhiều hộ vay dưới 1 tỷ đồng ngân hàng cũng hẹn…đầu năm 2023. Anh Nguyễn Phước, một doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề ở Phan Thiết, trước đây anh đã vay chi nhánh ngân hàng A. 2 tỷ đồng, cách đây gần 1 tháng anh đăng ký vay thêm 1 tỷ đồng để lo tất toán tiền cho công nhân và một số hợp đồng với đối tác nhưng ngân hàng lại hẹn… đầu năm 2023. Tương tự như anh Phước, anh Tài ở Hàm Cường (Hàm Thuận Nam) có 4 ha thanh long nhưng mấy vụ vừa qua làm bị thua lỗ đành bỏ vườn không chăm sóc. Vừa rồi giá thanh long tăng nên anh ra ngân hàng đăng ký vay thêm 500 triệu đồng để đầu tư vụ tết nhưng ngân hàng cũng “lắc đầu” dặn đầu năm 2023 quay lại.
Tháng 1/2023, cũng là lúc tháng chạp âm lịch “chạy theo”, nghĩa là Tết Nguyên đán đã cận kề. Thời điểm này nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh tất bật lo hàng tết, cũng là thời điểm cần nguồn tiền để trang trải chi phí lương, thưởng cho công nhân cũng như tất toán các khoản còn tồn đọng. Khát vốn nên hầu như ai cũng mong chờ được giải ngân sớm chừng nào hay chừng ấy và hy vọng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đồng hành cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn để phục hồi tốt sản xuất kinh doanh…