Khách tham quan và được thưởng thức nho ngay tại vườn. |
Trải nghiệm ở vườn nho
Vượt chặng đường xa giữa một ngày bỏng nắng đầu tháng 8, xuôi theo quốc lộ 1A ra Bắc chúng tôi thực sự bất ngờ vì có khoảng gần chục tấm bảng hiệu chỉ dẫn điểm tham quan vườn nho, bán đặc sản rượu, mật nho nối tiếp nhau nằm trên địa phận xã Phước Thể. Phóng tầm mắt ra xa đã thấy thấp thoáng những giàn nho xanh mát khiến ai cũng thích thú, quên đi cảm giác mệt mỏi.
Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi ghé vào vườn nho của ông Nguyễn Văn Ninh (thôn 1, xã Phước Thể), một trong những người đi tiên phong mô hình này. Với gần 3 sào gia đình trồng được, cộng với việc làm đầu mối thu gom hàng cho người dân mấy năm gần đây, điểm tham quan vườn nho Quỳnh Tuyến luôn đáp ứng nhu cầu của du khách bất kỳ thời điểm nào trong năm khi muốn ghé vào vườn hái và thưởng thức trái nho còn tươi ngon, mọng nước trên giàn.
Điều đặc biệt là tại tất cả các điểm tham quan vườn nho đều mở cổng cho khách vào mà không thu vé, thưởng thức số lượng tùy ý và không giới hạn thời gian trong vườn. Sau khi được hướng dẫn cách hái, cắt nho, giữ gìn vệ sinh... nếu có nhu cầu mua về làm quà, khách sẽ được mượn giỏ để đựng, với giá bán 20.000 đồng/kg. Anh Mai Xuân Hùng - du khách đến từ Vĩnh Long thích thú nói: Đây là mùa hè thú vị đối với tôi cũng như hai con khi được tận mắt chiêm ngưỡng vườn nho sai trĩu quả và trải nghiệm công việc làm vườn thực thụ như cắt cành, cắt chùm khi thu hoạch.
Nhưng ít ai biết được rằng, lý do chủ các vườn nho ở Tuy Phong mở cửa vườn xuất phát từ việc giá cả loại trái cây này không ổn định, đặc biệt vào mùa nho nghịch - rơi vào những tháng mùa mưa, sản lượng giảm, trái hư hao nhiều nên thường bị “dội chợ”. Khi đó nhà vườn chỉ còn cách bán đổ bán tháo, may mắn thì hòa vốn, nhưng thường thì thua lỗ. Rõ nhất là diện tích trồng nho toàn huyện giảm dần theo từng năm, đến nay còn 79 ha. Không cầm lòng được khi một loại cây lợi thế, từng giúp bao hộ khấm khá đang lụi dần, hơn 2 năm trước một số hộ có vườn ven quốc lộ 1A chủ động mở cửa cho khách vào thăm, nhờ vậy thương hiệu nho bay xa...
Quà quê tốt cho sức khỏe
Cách điểm tham quan Quỳnh Tuyến không xa là vườn nho Tư Thành của ông Nguyễn Văn Thành. Khá vui vẻ và niềm nở dù trong ngày hôm ấy ông tiếp một lúc 5 đoàn khách vào thăm vườn. Ông bảo, từ khi làm công việc thu gom và mở vườn cho du khách tham quan, doanh thu từ cây nho mang lại ổn định hơn. Ngoài lượng hàng cung ứng đi các nơi, chúng tôi còn giữ lại một phần để chế biến thành rượu và mật. Vừa nói xong ông Thành đi nhanh xuống bếp lấy ra chai nước đã ngả màu đỏ nâu rót ra ly, thêm vài viên đá lạnh mời chúng tôi thưởng thức.
Ông vui vẻ giải thích: “Đây là mật nho do vợ tôi mới nấu xong chiều qua nên chưa kịp đóng nhãn. Nguyên liệu gồm nho trái và đường phèn được nấu từ 8 - 10 tiếng, hoàn toàn không có chất bảo quản nên rất an toàn và dễ uống, trẻ em, phụ nữ hay người già đều dùng được. Mật nho có công dụng tốt cho thận, giúp cơ thể tỉnh táo, ngừa loãng xương, chống ung thư, chống lão hóa, giảm bệnh tim mạch. Những ngày nắng nóng có một ly mật nho để giải khát thì thật tuyệt vời”.
Quả thật đã vào vườn nho thì khi đi ra hầu như ai cũng xách những bịch quả, mật nho và rượu nho về làm quà. Giá bán một chai mật nho 650ml là 60.000 đồng, rượu nho đỏ 50.000 - 80.000 đồng, rượu nho xanh 70.000 - 90.000 đồng.
Đang khá thích thú vì chụp được nhiều tấm hình đẹp, mua quà mang về với giá rẻ, thì chúng tôi gặp ông Huỳnh Tấn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thể đang khảo sát tình hình dịch bệnh, quy trình chăm sóc cây nho trong mùa mưa tại các vườn. Theo ông Dũng: Công việc này được Hội triển khai thường xuyên, đồng thời mời các hộ tham gia những lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, nhờ vậy năng suất và chất lượng trái nho Tuy Phong ngon ngọt, căng mọng không kém nho Ninh Thuận, được thị trường các tỉnh miền Bắc, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… rất ưa chuộng. Hội đang định hướng cho hội viên phát huy hiệu quả cây trồng gắn với du lịch, cũng như chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Hiện phong trào trồng nho cảnh cũng đang nở rộ. Những gốc nho sau 5 đến 7 năm thu hoạch thay vì phá bỏ, sẽ được các chủ vườn cây cảnh mua lại chăm sóc và bán cho các gia đình có nhu cầu với giá trung bình 500.000 đồng/chậu.
Còn chúng tôi thì khấp khởi mừng vì có thêm một điểm du lịch khám phá thú vị nữa mỗi khi về Tuy Phong.
Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, diện tích cây nho trên địa bàn huyện Tuy Phong vẫn giữ ổn định là 79 ha, trong đó tập trung nhiều tại xã Phước Thể chiếm 36 ha, còn lại ở Phú Lạc, Vĩnh Hảo. |
Thùy Linh