Theo dõi trên

Khí thế đầu năm mới

24/02/2023, 05:14

Ngay đầu năm mới, các địa phương ở Bình Thuận đã liên tục ra quân huy động đông đảo cán bộ, nhân dân, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp tham gia dọn rác, tổng vệ sinh môi trường ở các công viên, đường phố, bãi biển, khu du lịch, khu dân cư, xóa các “điểm đen” ô nhiễm đã tồn tại lâu nay.

Nhiều đơn vị, đoàn thể còn hăng hái tham gia tết trồng cây, trồng hoa ven biển và hai bên các tuyến đường vào khu du lịch, hay đường hoa nông thôn mới… Mùa xuân, còn gì hào hứng và ý nghĩa hơn khi được chung tay làm cho quê hương mình xanh, sạch, đẹp và đáng sống hơn? Chắc chắn sau các hoạt động cộng đồng này, ý thức tự giác giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan của người dân sẽ có chuyển biến. Đây là hoạt động rất cần nhân rộng và duy trì thường xuyên, liên tục, để hưởng ứng chủ đề của năm 2023 là: “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp”, cũng như thiết thực góp phần tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.

tan-thanh.-don-vs1.jpg
Ra quân tổng vệ sinh môi trường ở các công viên, đường phố. Ảnh tư liệu.

Nhưng để tình hình vệ sinh môi trường không “đâu lại vào đó” sau năm 2023, cần phải giảm thiểu rác thải nhựa từ đầu nguồn một cách căn cơ, bền vững, và thay đổi được thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần của người dân. Cuộc chiến chống rác thải nhựa ở Việt Nam đang có vẻ “chùng” xuống, do ảnh hưởng dịch bệnh, hay do chúng ta vẫn làm theo “phong trào”? Cách đây gần 4 năm, Chính phủ đã phát động chương trình chống rác thải nhựa rất quy mô. Còn nhớ, năm 2019 (trước dịch) các siêu thị ở Việt Nam đã dùng lá chuối thay túi ni-lon, tới nay, các siêu thị lại bọc rau trong túi ni-lon. Trước dịch, các cơ sở du lịch, cơ quan, công sở đồng loạt trang bị bình đựng nước và ly thủy tinh (để nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần). Sau dịch, các bình, ly thủy tinh uống nước biến đâu hết, lại dùng chai nhựa, ly nhựa trong nhiều công sở và các hội nghị, hội thảo có hàng trăm đại biểu. Chưa kể mấy năm dịch bệnh, đâu cũng treo biển “không bán tại chỗ’, “ship tận nơi”, khiến rác thải nhựa ra môi trường gia tăng gấp mấy lần.

Người ta tính được rằng: Trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi ni-lon/ngày, 2 - 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng một lần. Người ta cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong các quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới, đặc biệt là ở các thành phố có hoạt động du lịch phát triển như Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), hay Đà Nẵng, Phú Quốc… và ngay cả Phan Thiết - Mũi Né của chúng ta cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa (ô nhiễm trắng).

Ô nhiễm trắng không chỉ ảnh hưởng vẻ đẹp cảnh quan môi trường, làm giảm sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của điểm đến, mà còn làm du lịch khó phát triển bền vững được. Rác là 1/7 nỗi sợ của du khách khi tới Việt Nam, bao gồm: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, TNGT, thái độ phục vụ, nhà vệ sinh bẩn và ô nhiễm môi trường. Đó là lý do mà Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch”. Theo đó Hiệp hội sẽ nỗ lực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân và du khách, đồng thời thực hiện thí điểm mô hình giảm thiểu rác thải nhựa tại một số nhà hàng, khách sạn, khu du lịch ở 2 tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam, sau đó nhân rộng ra cả nước trong đó có Bình Thuận.

Trong bối cảnh ấy, Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” rất có ý nghĩa thiết thực. Năm Du lịch quốc gia 2022 diễn ra tại Quảng Nam cũng có chủ đề “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”. Du lịch xanh đang là xu thế của thế giới và của Việt Nam, hướng tới giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sống và các phong tục văn hóa bản địa, hạn chế những tác động xấu đến môi trường như: xả thải, xả khói, tàn phá động thực vật, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Du lịch đóng góp ngày càng lớn cho Bình Thuận, nhất là tạo công ăn việc làm, thu nhập và sinh kế cho dân. Nhưng hoạt động du lịch cũng góp phần gia tăng rác thải nhựa ra môi trường. Dự báo lượng khách đến Bình Thuận sẽ tăng nhanh khi sắp tới có cao tốc, sân bay. Bình Thuận đã đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút được 16 triệu lượt khách trong và ngoài nước (gấp hàng chục lần dân số Bình Thuận hiện nay). Muốn đạt mục tiêu ấy, bằng mọi giá phải giữ được cảnh quan, môi trường xanh và sạch.  

ĐẶNG DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tăng cường thanh tra để bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Cùng với công tác quản lý, thì việc tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các đơn vị, doanh nghiệp là giải pháp quan trọng nhằm giúp các đơn vị sử dụng lao động tuân thủ tốt hơn các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khí thế đầu năm mới