Rủi ro từ thiếu trạm dừng nghỉ
Có thể nói việc đưa 2 tuyến cao tốc vào hoạt động không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp người dân lưu thông dễ dàng và rút ngắn thời gian hơn. Đặc biệt theo thống kê của các địa phương có tuyến quốc lộ 1A đi qua, từ khi có cao tốc, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường này giảm đáng kể, tình hình trật tự ATGT đỡ phức tạp hơn, giảm các vụ tai nạn, nhất là tai nạn chết người. Tuy nhiên một bất cập hiện đang tồn tại là trên 2 đoạn cao tốc qua địa bàn Bình Thuận chưa có trạm dừng nghỉ, dù đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (dài 99km) đưa vào hoạt động từ ngày 30/4/2023 và đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo (dài 101km) hoạt động từ ngày 19/5/2023, đến nay cũng đã 1 năm 2 tháng. Dư luận cho rằng, đáng ra các trạm dừng nghỉ phải được Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch, triển khai và hoàn thành cùng lúc với đường cao tốc. Việc chưa có trạm dừng nghỉ không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt cá nhân của người lái xe và hành khách, mà còn đe dọa trực tiếp đến ATGT, bởi nhu cầu dừng nghỉ của tài xế là hết sức cần thiết.
Anh Nguyễn Hồng Thắng (ngụ phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) lái xe du lịch thường đi trên cung đường TP. Hồ Chí Minh – Nha Trang cho biết: Lái xe trên cao tốc có đặc thù riêng so với quốc lộ, bởi sự tập trung rất cao độ khi lưu thông với tốc độ cao trong một quãng đường dài. Điều này làm cho tài xế rất mệt mỏi, cần phải có sự nghỉ ngơi để giảm áp lực trước khi tiếp tục cầm lái. Hiện nay trên 2 tuyến cao tốc có những trạm dừng nghỉ tạm được chủ đầu tư lập nên và cắm bảng hướng dẫn lái xe có thể dừng nghỉ tại một số nút giao, nhưng chỉ giải quyết tạm thời các nhu cầu cá nhân, chưa thể nói là dừng nghỉ.
Đẩy nhanh tiến độ
Được biết, cuối tháng 6 vừa qua, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Các dự án này có tiến độ tổng thể 15 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các công trình dịch vụ công là 12 tháng, thời gian khai thác dự án là 25 năm. Trước sự mong đợi của người dân, UBND tỉnh, cũng như các sở, ngành và địa phương nơi đặt trạm cũng đang tiến hành khẩn trương các khâu, để dự án sớm hoàn thành đi vào sử dụng.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải cho biết, trong 3 trạm dừng nghỉ được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, hiện trạm dừng nghỉ đoạn Phan Thiết - Dầu Giây tại km47+500 (xã Tân Đức) với diện tích 11,9 ha, giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, trong đó, phần diện tích trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 1,66 ha (1,5 ha bên phải + 0,16 ha bên trái) đã thực hiện giải phóng mặt bằng, diện tích còn lại 10,24 ha thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Với 2 trạm dừng nghỉ tại km144+560 (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong) và trạm km205+092 (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc) đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, với diện tích mỗi trạm là 10,0 ha (bao gồm bên trái và bên phải tuyến) hiện chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. 2 trạm dừng nghỉ này chưa có trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Tuy Phong. Nguyên nhân, do quy hoạch sử dụng đất của các huyện được phê duyệt trước thời điểm Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam. Ngày 15/4/2024, UBND tỉnh đã có công văn báo cáo Bộ Giao thông Vận tải các vướng mắc về thủ tục đất đai trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 2 trạm dừng nghỉ.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng 2 trạm dừng nghỉ đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp bàn và chỉ đạo UBND các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý dự án 7 khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung vị trí, phạm vi các trạm dừng nghỉ thuộc địa phận 2 huyện vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định. Khẩn trương triển khai trình tự, thủ tục theo quy định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật về đất đai, chủ động tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai trình tự thủ tục giải phóng mặt bằng 2 trạm dừng nghỉ theo quy định. Hiện các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc đang triển khai lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để báo cáo và tham mưu UBND tỉnh về phương án điều chỉnh bổ sung cục bộ vị trí 2 trạm dừng nghỉ này vào quy hoạch sử dụng đất.
Đối với các thủ tục để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, UBND huyện Tuy Phong đã hoàn thành lập và trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán đo vẽ lập bản đồ địa chính khu đất phục vụ công tác thu hồi đất. Riêng huyện Hàm Thuận Bắc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định và phê duyệt bản đồ thu hồi đất vào ngày 10/6/2024. Sau khi quy hoạch sử dụng đất được bổ sung cập nhật các trạm dừng nghỉ được duyệt, UBND các huyện sẽ triển khai các thủ tục tiếp theo để thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư.
Có thể thấy với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương và ngành liên quan đã nhanh chóng triển khai thực hiện các công việc cần thiết theo quy định. Dư luận mong rằng cùng với đó, các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư trạm dừng nghỉ cũng triển khai quyết liệt để các dự án sớm hoàn thành đi vào hoạt động đúng thời hạn đặt ra, đáp ứng sự mong đợi của người dân nói chung, công tác đảm bảo ATGT nói riêng.
Đừng coi thường trạm dừng nghỉ trên cao tốc
Nhiều quốc gia coi trạm dừng nghỉ là công trình an toàn đường bộ, đường cao tốc. Việc bố trí các trạm dừng nghỉ trên đường một cách hợp lý, đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu TNGT. Các nghiên cứu cho rằng cảm giác mệt mỏi là nguyên nhân của khoảng 25% số vụ tai nạn. Phân tích mối quan hệ giữa các vụ tai nạn do mệt mỏi theo tiêu chí không gian với trạm dừng nghỉ trên cao tốc, chứng minh được rằng tai nạn do mệt mỏi giảm ngay sau khu vực trạm dừng nghỉ và tăng lên đáng kể sau trạm dừng nghỉ là 48,2 km…