Theo dõi trên

Kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

03/11/2022, 05:56

Bình Thuận là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh tăng giảm không ổn định qua các năm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao đang là thách thức lớn đối với ngành y tế, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần đảm bảo sự ổn định kinh tế - xã hội.

Tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao

Ông Nguyễn Bá Tòng – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian qua, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhất là việc triển khai thực hiện nhiều đề án của Trung ương, địa phương góp phần nâng cao chất lượng dân số. Một trong những đề án triển khai có hiệu quả là đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2021”. 5 năm qua, đề án được triển khai rộng rãi tại 123 xã, phường, thị trấn. Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự cố gắng của cán bộ trong toàn hệ thống DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, đề án đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Nếu như năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh 112 bé trai/100 bé gái, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành trong cả nước về mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh đã từng bước khống chế tốc độ gia tăng. Đến năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 111,8 bé trai/100 bé gái. Bình quân 5 năm từ 2016 – 2021 là 111,4 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Tòng, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh có sự tăng giảm không ổn định qua các năm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng trọng nam hơn nữ, cần có con trai để nối dõi. Mặt khác, nhận thức của người dân chưa đầy đủ về hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; việc truyền bá những phương pháp lựa chọn giới tính theo kinh nghiệm dân gian diễn ra rộng rãi dưới nhiều hình thức. Trong khi đó, việc thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi còn hạn chế, đặc biệt là việc quản lý dịch vụ siêu âm và phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân. Do đó, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh vẫn tiếp diễn như hiện nay, nguy cơ mất cân bằng giới tính trầm trọng tới đây sẽ không tránh khỏi, gây hậu quả xấu nhiều mặt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4.jpg
Sở Y tế biểu dương các gia đình tiêu biểu sinh con một bề là gái.

Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi

Ông Nguyễn Bá Tòng cho biết: Mục tiêu đến năm 2030 của tỉnh là phấn đấu giảm tốc độ gia tăng của tỷ số giới tính khi sinh; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; phân bổ dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh góp phần phát triển nhanh, bền vững. Để đạt được mục tiêu trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác DS - KHHGĐ trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách DS – KHHGĐ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 – 2025”; phấn đấu đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh về dưới 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030, hoàn thành mục tiêu Chương trình hành động số 41 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII. Sở Y tế giao trách nhiệm cho Trung tâm DS - KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Đối với các cơ quan chuyên môn về Y tế - dân số các cấp giữ vai trò trung tâm, nòng cốt trong triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục, tích cực và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh…

K.ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chú trọng truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số
Tính đến cuối năm 2021, Bình Thuận có hơn 1,3 triệu dân. Những năm qua, để nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi cho người dân trên địa bàn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), các cấp ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông. Qua đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm về công tác DS-KHHGĐ.
Nổi bật
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh