Theo dõi trên

KỶ NIỆM 96 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2021)

20/06/2021, 11:04

Trung thực, lương tâm và trách nhiệm, kính trọng nhân dân và vì nhân dân phục vụ

BT- Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn đối với việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam nói chung và với đội ngũ những người làm báo nói riêng.

Học tập và làm theo...

Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là để làm cách mạng và để làm cách mạng Người đã trở thành một nhà báo. Các tác phẩm báo chí của Người có nội dung vô cùng sâu sắc và hết sức mẫu mực về hình thức thể hiện, tạo nên một phong cách độc đáo, phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Theo Người, báo chí chúng ta chỉ có một đề tài xuyên suốt là: “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Để thực hiện được nội dung đó, báo chí cách mạng phải có tính chiến đấu với tính cách là biểu hiện cao nhất của tính đảng, là bản chất, là tiêu chí cao nhất của báo chí cách mạng. Điều đó trước hết thể hiện ở đường lối chính trị của tờ báo. Báo chí thực chất là hoạt động chính trị, thông tin trên báo chí quan trọng nhất là thông tin chính trị. Theo Người, báo chí là công cụ đấu tranh giai cấp, là vũ khí đấu tranh cách mạng. Tính tư tưởng cách mạng của báo chí quyết định chất lượng, tác dụng của báo chí.

Trong giai đoạn hiện nay, khi vai trò báo chí ngày càng ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Điều này được thể hiện rõ nét qua chất lượng nội dung thông tin báo chí hàng ngày, hàng giờ phản ánh mọi mặt của cuộc sống, đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của mọi mặt đời sống xã hội. Song bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề báo, cho thấy dấu hiệu của sự suy giảm về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo hiện nay. Do vậy mỗi nhà báo cần luôn xem việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết. Phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững một số chuẩn mực cơ bản của người làm báo: trung thực, lương tâm và trách nhiệm, kính trọng nhân dân và vì nhân dân phục vụ.

Trung thực, lương tâm và trách nhiệm

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về báo chí, Người coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Đó cũng là một trong những nguyên tắc về đạo đức báo chí của Người. Do vậy yêu cầu đầu tiên của nhà báo là phải trung thực. Phải tôn trọng sự thật, lẽ phải và chân lý trong các quan hệ xã hội. Đây là nguyên tắc đạo đức quan trọng nhất trong hoạt động nghề nghiệp, cũng từ đó sẽ tạo ra sức mạnh của báo chí. Khi sản phẩm của nghề báo là thông tin, tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh mẽ trên diện rộng thì sức mạnh và uy tín của báo chí phụ thuộc vào tính khách quan, chân thật của những thông tin mà nhà báo đem đến hoặc phản ánh ý chí nguyện vọng của công chúng. Vì vậy, nhà báo phải khách quan trung thực trong hoạt động nghề nghiệp, trong giao tiếp và lao động sáng tạo mới được dân tin, dân nghe, dân làm theo.

Thứ hai, hoạt động báo chí có vai trò, chức năng định hướng tư tưởng cho xã hội, do vậy đòi hỏi nhà báo trước hết phải có quan điểm đúng đắn. Tư tưởng và lương tâm của nhà báo lại luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Lương tâm nghề nghiệp là sự phát triển cao của trình độ đạo đức vì nó dựa trên cơ sở tự ý thức về trách nhiệm của bản thân người lao động khi hoạt động nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp được nâng cao sẽ trở thành lương tâm nghề nghiệp. Vì vậy lương tâm trở thành thước đo của trình độ đạo đức nhà báo. Khi lương tâm trong sáng thì nhìn nhận đánh giá sự việc khách quan, khoa học và thể hiện tư tưởng đúng đắn. Ngược lại, khi tư tưởng đúng đắn sẽ củng cố cái tâm trong sáng hơn. Cái tâm của nhà báo còn phải gắn với cái tài; tức là phải không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ và năng lực nghề nghiệp. Tư tưởng đúng, lương tâm trong sáng, tài năng phát triển, đó là 3 phẩm chất có mối quan hệ thống nhất biện chứng, quyết định sự thành công của nhà báo.

Thứ ba, trong hoạt động nghề nghiệp, nhà báo phải xách định rõ 2 trách nhiệm. Đó là trách nhiệm hoàn thành tốt mọi công việc được giao và trách nhiệm với xã hội. 2 trách nhiệm này có mối quan hệ thống nhất với nhau. Hoàn thành tốt trách nhiệm với cơ quan chủ quản là tiền đề để nhà báo hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và ngược lại. Có thể nhận thấy, nghề báo là nghề của nhiều nghề, liên quan đến mọi mặt, mọi đối tượng của đời sống xã hội. Hiệu ứng của sản phẩm thông tin báo chí bao giờ cũng mang tính 2 mặt. Khi thông tin đúng, trúng sẽ tạo hiệu quả tích cực góp phần ổn định và thúc đẩy xã hội phát triển, ngược lại sẽ gây hiệu ứng tiêu cực, làm mất ổn định và cản trở sự phát triển của xã hội. Trong 2 trách nhiệm ấy, nhà báo phải đề cao trách nhiệm xã hội trong lao động nghề nghiệp để luôn tạo ra những hiệu ứng tích cực.

Tất cả vì nhân dân

Và dù nhà báo có hội tụ đầy đủ mọi tố chất, chuẩn mực, thì điều quan trọng nhất vẫn phải kính trọng nhân dân và vì nhân dân phục vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ. Người làm báo từ Trung ương đến địa phương đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân”. Trong nhiều bài viết của mình, Người luôn nhắc các nhà báo trước khi viết phải trả lời rõ: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì?”, “Vì ai mà viết?”... Đặt ra những câu hỏi đó chính là Người đã đòi hỏi các nhà báo phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin trước khi sáng tạo một tác phẩm báo chí để lựa chọn mục đích và phương pháp phù hợp. Theo Người, “đối tượng của tờ báo là đại đa số nhân dân” và mục đích của việc viết báo không có gì khác ngoài lợi ích và sự tiến bộ của nhân dân. Vì vậy, Người luôn dạy các nhà báo phải gần gũi nhân dân, lấy dân làm đối tượng, làm mục đích phục vụ. Viết báo phải làm cho dân dễ hiểu, dễ nhớ; phải giúp dân tiến bộ và viết cái gì có lợi cho nước, cho dân. Nhà báo phải đồng hành cùng nhân dân và dân tộc, sống trong lòng nhân dân, tôn trọng, lắng nghe, học tập nhân dân, làm cho dân tin, dân yêu, đồng thời phải hiểu dân và tin yêu dân. Nhân dân là “lửa” thử vàng đối với quá trình học tập, tu dưỡng, rèn luyện và hoạt động của mỗi nhà báo. Do vậy tất cả cán bộ, đảng viên nói chung và những người làm báo nói riêng phải luôn hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, hướng tới quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, vì sự phồn vinh của đất nước và vì sự tiến bộ, công bằng của xã hội.  

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
KỶ NIỆM 96 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2021)