Cuối tháng 12/2012, khi ấy biển cả bỗng dưng “nổi giận vô cớ”, cũng là lúc con tàu mang số hiệu HQ 608 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân rời bến đưa đoàn phóng viên các cơ quan báo chí trong cả nước đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1, những người đang ngày đêm âm thầm nơi đầu sóng, ngọn gió để gìn giữ, bảo vệ phên giậu thềm lục địa phía nam của tổ quốc. Dù khá mệt mỏi sau quãng đường dài hàng trăm km di chuyển trên biển trong điều kiện sóng to gió lớn, nhưng khi nghe tin được lên nhà giàn DK1/10 chúng tôi ai cũng mừng. Bởi chuyến đi không uổng công, và như nhiều anh em trong đoàn ví von, đây là chuyến du lịch trải nghiệm rất đặc biệt, có tiền cũng chưa chắc đi được. Con tàu lớn không thể tiếp cận nhà giàn, mà phải neo đậu cách hơn 1 km. Tất cả chúng tôi sẽ phải di chuyển đến mục tiêu bằng một chiếc xuồng nhỏ. Sau nhiều lần nhấp nhô giữa những con sóng bạc cao từ 3 - 5m, cuối cùng chiếc xuồng nhỏ cũng đưa chúng tôi tiếp cận chân nhà giàn. Dù trước đó đã nghe kể, nhưng nhiều người vẫn không khỏi “kinh hoàng” khi được tiếp đón bằng màn đu dây như làm xiếc. Một chiếc ròng rọc được thả xuống, lần lượt từng phóng viên bám vào và các chiến sĩ bên trên kéo lên giữa sự chụp giật của những con sóng và tiếng gầm rít của những cơn gió như muốn quăng chúng tôi vào những trụ sắt khổng lồ, vững chãi của chân nhà giàn. Nhìn thì có vẻ mạo hiểm vậy nhưng thực ra phương pháp lên nhà giàn kiểu này rất an toàn, vì trong lịch sử chưa từng có sự cố gì xảy ra. Bởi anh em đã tính kỹ, nếu không an toàn thì đã không đón các nhà báo bằng thang dây kiểu này - một chiến sĩ DK1/10 cười nói. Tuy nhiên, do chưa quen nên đối với chúng tôi vẫn thấy hơi rờn rợn, pha chút thú vị vì lần đầu được trải nghiệm. Điều đầu tiên tôi cảm nhận được khi đặt chân lên DK1/10 là dù sống cách biệt đất liền, nhưng mọi thứ ở đây đều được dọn dẹp, sắp đặt rất ngăn nắp gọn gàng. Tại đây những vườn rau mi ni với đủ loại rau vẫn xanh tốt chẳng kém gì trên đất liền. Từ những cây ớt, cà chua trĩu trái cho đến rau thơm, rau cải, khoai lang xanh mướt lá. Nhưng nhiều nhất vẫn là mồng tơi, bầu đất, vì đây là 2 loại dễ sống, dễ trồng và dễ thích nghi với thời tiết khắc nghiệt giữa biển cả mênh mông. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, một chiến sĩ trẻ “bật mí”, để có được những cây rau tốt như vậy không đơn giản đâu anh ạ. Ở đây, thời tiết khắc nghiệt lắm, giờ lại đang mùa gió lớn, sóng to, độ mặn trong không khí rất cao, rau dễ bị táp lá, chết, nên anh em chăm như chăm trẻ mới sinh ấy. Hôm nào gió to là tụi em phải che chắn rất cẩn thận bằng đủ các vật dụng như chăn, chiếu, quần áo cũ, bạt…
Đặc biệt việc tưới nước phải đều đặn, người có thể nhịn tắm được chứ rau thì không thể quên tưới. Do điều kiện nước ngọt ở đây có hạn, nên đa số nước sau khi dùng trong sinh hoạt đều được tích trữ lại để tưới rau. Trồng rau không chỉ để cải thiện “chất xanh” cho anh em, phòng khi trái gió trở trời, thuyền tiếp tế không ra được mà nó còn giúp anh em thấy được hình ảnh của đất liền, vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà.
Có tận mắt chứng kiến mới thấy hết được những gian nan, vất vả của lính nhà giàn. Họ ở giữa một không gian mênh mông rộng lớn, nhưng lại chỉ đi được loanh quanh vài bước chân, trên một diện tích mặt sàn vài trăm m2. Họ sống giữa một đại dương bao la, nhưng lại phải tiết kiệm, chắt chiu từng giọt nước. Các anh sống xa nhà, xa quê, xa gia đình nhưng thay vào đó là tình yêu thương của đồng đội và của trái tim, tấm lòng của hàng triệu người Việt Nam. Ở nơi đó, dù còn nhiều thiếu thốn, gian khổ nhưng tinh thần đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó lại không bao giờ thiếu.