Theo dõi trên

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Thí sinh đăng ký dự thi môn lịch sử tăng cao

11/05/2017, 08:51

BT- Theo thống kê từ Sở Giáo dục & Đào tạo, toàn tỉnh có 11.281 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017, trong đó thí sinh đăng ký các môn tổ hợp khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học) chiếm tỷ lệ 49,5% còn tỷ lệ học sinh đăng ký các môn tổ hợp khoa học xã hội (Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân) chiếm 50,5%. Theo kết quả đó, thì số học sinh đăng ký bài thi tổ hợp các môn khoa học xã hội cao hơn bài thi tổ hợp các môn khoa học tự nhiên. Riêng môn Lịch sử có số thí sinh đăng ký dự thi tăng cao với 6.386 thí sinh.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự thay đổi này do năm 2017 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án thi tổ hợp với hình thức trắc nghiệm và đề thi nằm trong chương trình lớp 12 nên học sinh nghĩ chọn môn Lịch sử sẽ dễ hơn trong việc đưa ra đáp án cũng như câu trả lời. Thay vào đó, thi tự luận cần phải huy động nhiều lượng kiến thức hơn. Mặt khác, năm nay môn Lịch sử có nhiều trường đại học, cao đẳng đề ra nhiều tổ hợp mới (Toán, Văn, Sử), nhiều ngành xét tuyển đang  “hot” với các em như: công an, quân đội… nên tạo điều kiện cho các em có nhiều cơ hội lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển hơn. Em Lê Thanh Hân - lớp 12 Trường THPT Hàm Thuận Bắc chia sẻ: “Kỳ thi THPT quốc gia năm nay ngoài 3 môn thi bắt buộc Toán, Văn, tiếng Anh thì em đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội. Vì em thấy thi trắc nghiệm môn Sử, Địa, Giáo dục Công dân đơn giản hơn so với tổ hợp môn KHTN gồm môn Lý, Hóa, Sinh”. Riêng môn Lịch sử tuy có nhiều dữ liệu nhưng em thấy thi bằng hình thức trắc nghiệm sẽ dễ nhớ mốc lịch sử, diễn biến hơn thi bằng hình thức tự luận như các năm trước”.

Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bắc Bình), kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 toàn trường có 319 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 144 học sinh đăng ký bài thi các môn khoa học tự nhiên và 175 thí sinh đăng ký bài thi các môn khoa học xã hội, riêng môn Lịch sử có 187 thí sinh đăng ký dự thi. Cô Lê Thị Phượng - Nhóm trưởng bộ môn Lịch sử trường cho biết, đây là điều đáng mừng nhưng bên cạnh đó tôi cũng cảm thấy lo lắng do các em năm nay thi theo hình thức trắc nghiệm nên nghĩ rằng chỉ cần qua loa, đại khái là có thể lấy được 5 - 6 điểm để đủ để xét tốt nghiệp. Để học sinh đạt điểm cao về bộ môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển cao đẳng, đại học sắp tới, cô Phượng chia sẻ, trước hết học sinh cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12. Trong bài thi có những câu hỏi vận dụng mang tính thực tiễn, để làm tốt phần này, các em phải có sự hiểu biết nhất định về kinh tế, chính trị, xã hội. Do đó, các em phải chủ động theo dõi, thường xuyên cập nhật tin tức thời sự qua các phương tiện thông tin truyền thông. Nắm vững một số phương pháp làm bài trắc nghiệm như: Phương pháp đọc kỹ câu hỏi và tìm từ “chìa khóa”; phương pháp tự trả lời trước, đọc đáp án sau; phương pháp loại trừ, phương pháp chọn đáp án dài nhất… Đồng thời, học sinh phải thực hành, phải tự mình làm nhiều đề thi thử, các bài tập mẫu để tích lũy kinh nghiệm làm bài, nâng cao kiến thức của bản thân và nên tính thời gian hợp lý sao cho hoàn thành 40 câu hỏi trong 50 phút.

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cầu truyền hình 'Dưới lá cờ quyết thắng' kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã diễn ra tối 5/5 tại 5 điểm cầu: Khu vực Sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1 (Điện Biên); Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa); Nhà rông Kon Klor (Kon Tum), Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh).
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Thí sinh đăng ký dự thi môn lịch sử tăng cao