Theo dõi trên

Làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường?

10/04/2023, 05:23

Vụ bạo lực học đường ở Trường THCS Lương Sơn (Bắc Bình) vào cuối năm ngoái làm người ta chưa kịp quên, thì nay lại có thêm 1 em học sinh của Trường THCS Võ Thị Sáu (Tuy Phong) trở thành nạn nhân.

Giữa tháng 3/2023, khi sự việc vừa xảy ra, một phụ huynh ở thị trấn Phan Rí Cửa có gửi clip cho tôi kèm theo sự tức giận, nghẹn lời “đau cả lồng ngực” dù con chị không phải là nạn nhân. Trước đó không lâu, 1 clip khác cũng được đăng tải trong nhóm kín về một nhóm học sinh cấp 2 - huyện Tuy Phong đánh bạn dã man. Thật sự, nhiều phụ huynh có con trong lứa tuổi này sẽ không đủ can đảm để xem hết các clip và họ giật mình tự hỏi “Con mình đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường?”, “Nếu không may con mình là người bị đánh trong clip, thì mình sẽ xử lý ra sao?”. Trên khắp các diễn đàn của bạo lực học đường, đa phần tôi thấy các phụ huynh đều tỏ thái độ tức giận, bất bình, thậm chí muốn ăn thua đủ, đòi lại công bằng cho nạn nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, những học sinh bị bạn đánh đều tỏ ra sợ sệt, im lặng, tâm lý bị tổn thương, không dám chia sẻ với ai vì sợ bị chặn đường đánh lần 2, lần 3.

Gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi cấp 2, vì những lý do rất ngớ ngẩn, nhưng các "anh đại", "chị đại" cứ thích thể hiện chỉ vì “ghét cái kiểu mày nhìn, ghét mái tóc mày có”, “tại sao cứ thích lượn lờ qua lớp tao”… Những xích mích rất nhỏ cũng đủ thổi bùng ngọn lửa trong tâm trí của tuổi mới lớn, đánh bạn chưa đã, còn quay clip, rồi tung lên mạng khoe chiến tích như khẳng định vị thế của mình. Tôi không dám khẳng định nguyên nhân từ đâu, người thì bảo do gia đình không quan tâm, dạy dỗ, người lại bảo do nhà trường thiếu các buổi giáo dục, chia sẻ, nói chuyện về tâm lý tuổi mới lớn, người lại cho rằng máu hung hăng có sẵn trong người… Có lẽ những yếu tố ấy đã tạo nên một học sinh có thể ra tay dã man với bạn cùng giới với mình.

Thật sự, trở thành nạn nhân của một vụ bạo lực sẽ rất đáng sợ, nó ám ảnh em học sinh ấy cả đời, thậm chí tổn thương tâm lý về sau. Tôi không biết nhóm học sinh đánh bạn, người đánh, người quay, người cười thỏa mãn, người phụ họa xung quanh có cảm thấy hối hận sau khi nhà trường, địa phương, gia đình phát hiện và vào cuộc? Hay đơn thuần các em ấy nghĩ rằng chuyện chẳng có gì to tát khi mình vẫn được đến trường trở lại?

z3757122605922_f1f2b62d374ff0e2327c4ed4ecc46f47.jpg
Trở thành nạn nhân của một vụ bạo lực sẽ rất đáng sợ

Sau rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra, tôi thấy nhiều gia đình cho các em đi học võ nhiều hơn, nhất là trẻ em gái để “tự vệ, đánh trả khi có ai bắt nạt”. Một phụ huynh nói với tôi như thế, “không thể để con mình là nạn nhân, ai đánh con, con có quyền đánh lại, ba mẹ cho phép”. Tôi nghĩ đó cũng là cách dạy con phản kháng, không nhún nhường, không thỏa hiệp với cái xấu. Hoặc thấy bạn nào bị đánh, phải lên tiếng, tìm bất cứ người lớn nào để phản ánh, để nạn nhân của bạo lực được giúp đỡ kịp thời. “Con không được im lặng, không được lờ đi hay một mình lao vào ngăn cản. Thay vào đó, hãy nhờ một sự trợ giúp từ thầy cô, cha mẹ và cả bạn bè để có thể đưa ra giải pháp đúng đắn nhất. Không ai ép buộc con phải thỏa hiệp với kẻ xấu, cũng không ai ép buộc con phải trực tiếp lao vào ngăn cản cuộc xô xát giữa hai bên, nhưng nếu có thể, hãy làm gì đó để ít nhất giảm thiểu tổn thương mà người bị bạo lực đang phải chịu đựng”. Tôi đồng ý với quan điểm dạy con ấy, không nhất thiết phải đánh lại, nhưng tuyệt đối không được im lặng. Nếu vô tình con chứng kiến một vụ bạo lực học đường, rõ ràng, con không muốn trở thành nạn nhân thứ hai, nhưng “cái xấu chỉ mạnh khi nó thấy cái tốt dường như đồng tình với nó”. Do đó, bạo lực học đường dù diễn ra dưới hình thức, cách thức nào cũng để lại tổn thương trong tâm trí của nạn nhân.

Có lẽ bạo lực học đường sẽ còn tiếp diễn dài dài nếu gia đình, nhà trường và xã hội không có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Những hoạt động ngoại khóa, những chia sẻ, tâm sự từ những giáo viên tâm lý ít nhiều sẽ xoa dịu sự bốc đồng ở tuổi mới lớn. Sự đồng hành của phụ huynh, sự dạy bảo ân cần hàng ngày sẽ phần nào kìm hãm sự nóng giận bất chợt. Có như vậy, vấn nạn bạo lực học đường sẽ không còn là mối lo của toàn xã hội.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bạo lực học đường, góc nhìn văn hóa
BTO- Tại phiên họp thường kỳ ngày 2/4/2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Lo kinh tế nhưng không được quên các vấn đề xã hội bức xúc, như tệ nạn ma túy, tai nạn giao thông, đặc biệt là bạo lực học đường. Bạo lực học đường ảnh hưởng đến việc đào tạo, giáo dục thanh thiếu niên, thế hệ tương lai của đất nước”. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch UBND các địa phương vào cuộc và xử lý rốt ráo, tìm giải pháp căn cơ, không để tệ bạo lực học đường tái diễn.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường?