Tăng sốt rét ngoại lai tỉnh, nước ngoài
Năm 2023, Bình Thuận ghi nhận 7 trường hợp mắc ký sinh trùng sốt rét, không có trường hợp tử vong do bệnh này. Trong đó, có 5 ca mắc sốt rét ngoại lai gồm 4 ca ngoại lai tỉnh từ Kon Tum, Khánh Hòa, Lâm Đồng mang về và 1 trường hợp ngoại lai nước ngoài từ Trung Quốc mang về; 2 trường hợp mắc sốt rét nội địa tại xã Bình Tân, xã Phan Lâm (Bắc Bình). Từ số liệu cho thấy, số ca mắc sốt rét ngoại lai ngoài tỉnh, nước ngoài năm 2023 tăng hơn so với năm 2022.
Bình Thuận hiện chưa ghi nhận ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Các cuộc điều tra cũng đã cho thấy sự lưu hành của muỗi truyền bệnh sốt rét ở nhiều địa phương tại khu vực làm nương, làm rẫy. Bởi muỗi truyền bệnh sốt rét Anophen Dirus chiếm mật độ cao, có xu hướng trú đậu ngoài nhà và đốt người rất sớm trong đêm. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp phun tồn lưu và tẩm màn gặp khó khăn. Nếu quản lý không tốt người làm nương ngủ rừng và người mang ký sinh trùng sốt rét, thì khả năng lan truyền bệnh này là rất cao. Đó là chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh.
Theo kết quả phân vùng dịch tễ bệnh sốt rét năm 2019, toàn tỉnh có 7 huyện thuộc vùng sốt rét lưu hành, thì 3 huyện trọng điểm gồm Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh có nguy cơ xảy dịch ở mức độ cấp xã, thôn. Dân số nguy cơ mắc sốt rét là 618.607 người, chiếm 45,86% dân số toàn tỉnh; 13 xã sốt rét lưu hành nặng, 2 xã sốt rét lưu hành vừa, 50 xã sốt rét lưu hành nhẹ, 24 xã nguy cơ sốt rét quay trở lại. Mùa lan truyền sốt rét chủ yếu vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm.
Có thể tăng năm 2024
Theo bác sĩ Hồng, giai đoạn 2021 – 2023, Dự án HPA (Health Poverty Action) “Phòng chống sốt rét cho dân di biến động” hỗ trợ cho 3 xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến (Bắc Bình) - vùng sốt rét lưu hành nặng về kinh phí, vật phẩm, dụng cụ hỗ trợ cho việc lấy lam máu, tổ chức truyền thông cá nhân, lồng ghép nhằm nâng cao năng lực giám sát dịch tễ, phòng chống sốt rét cho cán bộ y tế các tuyến. Nhờ đó, nhân viên y tế tại trạm y tế, y tế thôn bản quản lý, tiếp cận tốt người đi rừng, ngủ rẫy, dân di biến động thực hiện chủ động lấy test nhanh và lam máu kịp thời phát hiện ký sinh trùng sốt rét để điều trị. Cùng với đó, ý thức của người dân về phòng chống bệnh sốt rét được nâng cao. Giai đoạn 2024-2026, dự án trên không tiếp tục triển khai trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự báo: Năm 2024, tình hình bệnh sốt rét tại Bình Thuận có thể gia tăng và diễn biến phức tạp trở lại. Nguyên nhân là dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, chủ yếu là dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng cao có tập quán làm rừng, làm nương rẫy, ngủ lại qua đêm, nhưng thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân thấp. Và những người lao động thời vụ, lao động tự do, dân di biến động không được quản lý thiếu tự giác về thực hiện các biện pháp phòng chống. Thời tiết thay đổi bất thường làm phục hồi muỗi truyền bệnh SR và kháng hóa chất của muỗi sốt rét.
Vì vậy, mục tiêu được đề ra là không để dịch sốt rét xảy ra; tập trung công tác phòng chống sốt rét tại các vùng sốt rét lưu hành nặng, các vùng trọng điểm, các vùng di biến động dân số khó kiểm soát... hạn chế lây lan trong cộng đồng. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh thích hợp cho nhóm người dân di biến động (dân di cư tự do, đi rừng, ngủ rẫy) để hạn chế tối đa số mắc sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét. Song song đó, đảm bảo cung cấp đủ và kịp thời thuốc sốt rét, không để thiếu thuốc ngay tại tuyến cơ sở và củng cố các yếu tố bền vững nhằm tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2027.