1. Dì của tôi (em ruột của mẹ), đã 84 tuổi. Dì có bệnh tiểu đường. Dì bị nhiễm Covid-19, trở nặng. Các em, con của dì, đã đưa mẹ đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận để điều trị. Dì được các bác sĩ, nhân viên y tế và các con chăm sóc thuốc men cẩn thận, chu đáo, được thở máy, nhưng do bệnh nặng, dì đã qua đời chỉ sau 1 tuần điều trị. Dì ra đi là một cú sốc lớn đối với những người trong gia đình chúng tôi, bởi quá đột ngột. Do tỉnh ta chưa có cơ sở làm dịch vụ hỏa táng, các em của tôi đã làm thủ tục chôn cất mẹ sau khi cơ quan y tế đã khử khuẩn kỹ lưỡng theo quy định. Dì được khâm liệm tại Bệnh viện tỉnh. Các em tôi, con của dì, lập bàn thờ mẹ ở nhà, lễ thành phục diễn ra tại nhà. Con cháu dâng cơm cúng mẹ, cúng bà trong vọng tưởng. Bởi linh cữu dì vào thời điểm ấy đang được quàn tại Nhà đại thể Bệnh viện tỉnh. Đám tang dì được tổ chức trong vòng 24 giờ. Linh cữu dì được xe ô tô chuyên dụng đưa từ bệnh viện đến Nghĩa trang thành phố Phan Thiết. Con cháu đi bằng các phương tiện riêng. Gia đình chỉ xin phép để xe chở linh cữu dì được ghé trước nhà một chút để dì thăm nhà lần cuối trước khi về nơi an nghỉ cuối cùng. Lễ tang dì được các em tôi tiến hành đầy đủ các nghi thức trang trọng, ấm cúng, tràn đầy tình yêu thương, thành kính, biết ơn vô bờ của các con, các cháu nội ngoại, với mẹ, với bà, bởi dì có đông con (10 người), đông cháu. Dì yên nghỉ gần gũi với ba má, anh chị của mình nơi nghĩa trang. Do dì mất vì nhiễm Covid-19, lễ tang dì cũng chủ yếu chỉ có con cháu trong gia đình, trong dòng họ, cùng một vài đồng nghiệp của con. Ngày tiễn biệt dì có chút lặng lẽ, quạnh hiu.
2. Đúng sau ngày cúng 49 ngày của dì tôi, má vợ tôi qua đời sau 9 tháng nằm bệnh. Má đã 98 tuổi, cũng có 10 người con, đông cháu chắt. Do má chỉ bệnh già, lễ tang má được tổ chức tại nhà, theo đúng những cách thức mà người Phan Thiết, Bình Thuận vẫn thường làm. Lễ thành phục, dâng cơm cúng mẹ, cúng bà, các con cháu trào nước mắt. Các con, cháu dâng cơm cúng mẹ, cúng bà lòng mang nặng ơn sâu, hết sức thành kính yêu thương trước linh cữu mẹ, bà. Người thân, bà con xóm làng, bạn bè của con… đến viếng mẹ trong 2 ngày tang lễ. Ngày đưa tang mẹ có những người thân, bà con xóm làng… đến tiễn biệt.
3. Trải qua những ngày tang lễ của hai người thân yêu, lòng tôi cứ bồi hồi, day dứt mãi. Mùa đại dịch, những người mất vì dịch bệnh, phải theo quy định khi làm lễ tang, hỏa táng hay chôn cất sau khi đã khử khuẩn. Tang lễ chỉ được lo liệu trong phạm vi 24 giờ. Con cháu tiễn mẹ, bà không ngồi cùng xe chở linh cữu. Thân nhân người mất vì Covid-19 phải tuân thủ những quy định ấy. Có sự lặng lẽ, trầm tư của con cháu khi tiễn mẹ, bà về nơi an nghỉ cuối cùng trong những điều kiện, hoàn cảnh như vậy. Tôi thấy chạnh lòng bởi sự thiếu vắng những người quen biết với dì ở ngày tiễn biệt. Khi mà nhiều chục năm trong đời, dì có biết bao người quen biết, người thân.
Vẫn biết rằng, sinh tử là quy luật của đời người. Ở cùng một vùng đất quê hương, những thủ tục để an táng người thân khi qua đời có những điểm rất giống nhau, phần đông gia đình nào cũng như vậy. Nhưng mùa dịch bệnh đã khác. Người mất vì dịch bệnh, gia đình phải tôn trọng quy định của chính quyền, của ngành y. Nhớ lúc hạ huyệt dì, em tôi nói lời cảm ơn đội mai táng đặc biệt lo việc khử khuẩn và chôn cất mẹ, bởi lễ an táng dì, chủ yếu chỉ có những người trong gia đình, dòng họ, cùng một số anh em ấy. Rồi nghe lời cảm tạ của em vợ tôi trong lễ tang má vợ, tôi chạnh lòng nhớ đến lời cảm ơn của em, con dì tôi trong lễ tang của dì, tôi càng thương dì, thương các em.
Là công dân của thành phố Phan Thiết, những người thân trong gia đình chúng tôi luôn chấp hành quy định của chính quyền trong mọi vấn đề, trong đó có việc tổ chức tang lễ, đặc biệt trong mùa dịch bệnh, để tránh lây nhiễm trong cộng đồng. Chỉ mong sao dịch bệnh được kiểm soát tốt để cuộc sống trở lại hoàn toàn bình thường trên quê hương. Những người thân khi lìa đời được gia đình và người thân tổ chức lễ tang theo phong tục nhiều đời của quê hương, xứ sở.