Từ năm 2009 đến nay, vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương, gia đình ông Nguyễn Ngọc Ẩn (phường Mũi Né – Tp.Phan Thiết) đều làm mâm cơm cúng Tổ. Mâm cơm mà gia đình ông Ẩn chuẩn bị là 1 tạ heo quay, 20kg bánh hỏi cùng các vật phẩm truyền thống khác… “Không riêng gì gia đình tôi, mà cũng có nhiều gia đình khác trên địa bàn tỉnh làm mâm cỗ để tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đây là dịp để tôi mời anh em, bà con họ hàng đến dự để cùng sum vầy. Đồng thời là dịp để gia đình nhắc nhở, giáo dục con cháu hiểu thêm về cội nguồn dân tộc, về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, ông Ẩn chia sẻ.
Cũng theo quan niệm “Chim có tổ, người có tông”, những người con Phú Thọ xa quê, ngoài dịp Tết Nguyên đán, năm nào cũng vậy, Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để những người con Đất Tổ ở mảnh đất Bình Thuận làm mâm cơm để tri ân, tưởng nhớ các Vua Hùng.
Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Suối Đá, xã Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc) cho biết: Ông quê ở xã Thu Ngặc, huyện Sơn Tây, tỉnh Phú Thọ vào Bình Thuận lập nghiệp đã hơn 30 năm nay. Thế nhưng cứ đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương lòng ông lại đau đáu nhớ về quê nhà. Theo đó, theo phong tục của quê hương, ông đã làm mâm cơm thờ cúng tổ tiên gồm xôi ngũ sắc, gà và các loại hoa quả. Sau khi chuẩn bị xong mâm cơm, các thành viên trong gia đình cùng nhau thành kính dân hương, mọi người cùng kính báo, cảm tạ công lao của tổ tiên phù hộ cho cuộc sống tốt đẹp, đầm ấm, bình an.
“Sống xa quê, công việc lại bộn bề lo toan, nhưng tất cả các thành viên vẫn luôn trân quý những giây phút hội ngộ trong những ngày lễ như thế này. Chúng tôi dành thời gian chia sẻ, tâm sự để kết nối và gắn bó với nhau hơn trong cuộc sống”, ông Sơn nói.
Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc trở thành bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của các thế hệ người dân Việt Nam. Với ý nghĩa thiêng liêng đó, từ hàng nghìn năm qua, cứ đến tháng 3 âm lịch, hàng triệu người dân đất Việt lại nô nức hướng về Giỗ tổ Hùng Vương. Lễ Giỗ tổ Hùng Vương cũng được tổ chức trên khắp mọi miền đất nước.
Và trong dòng chảy đó, việc thờ cúng tổ tiên với những lễ vật và nghi lễ cụ thể, trong đó có việc làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên trong dịp lễ quan trọng là nét đẹp văn hóa đặc trưng, rõ nét nhất của quá trình thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Việc làm này cũng thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn"của mỗi người dân. Từ đó, phát huy những giá trị văn hoá mà cha ông ta đã để lại, tạo điểm tựa tinh thần để vững bước đến tương lai.