Mở rộng diện tích theo hướng liên kết
Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.400 ha sầu riêng, tập trung ở 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Đức Linh và Tánh Linh. Trong đó, có 1.800 ha đang trong thời kỳ kinh doanh với năng suất bình quân 10 - 25 tấn/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 40.000 tấn mỗi năm. Cụ thể, huyện Hàm Thuận Bắc có khoảng 1.000 ha, trong đó khoảng 200 ha được áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước và trồng chủ yếu tại 4 xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Đa Mi. Trên địa bàn có 3 đơn vị liên kết sản xuất lớn. Trong đó, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Đa Mi (HTX SXKD - DV NN), thôn La Dày có 20 thành viên với diện tích 60 ha cây sầu riêng, đã được cấp mã số vùng trồng trong tháng 11/2022 cho 33,5 ha. HTX Tổng hợp Nông nghiệp Đa Mi - thôn Đaguri, xã Đa Mi mới được thành lập với 18 thành viên, diện tích trồng sầu riêng hơn 50 ha. Ngoài ra, tổ hợp tác cây sầu riêng an toàn tại thôn 4, xã La Dạ với 19 thành viên với diện tích 31,1 ha.
Theo bà Huỳnh Thị Thanh Xuân - đại diện HTX SXKDDV NN Đa Mi, sau khi được công bố mã số vùng trồng, tình hình sản xuất và tiêu thụ có hướng tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp thu mua và thương lái biết đến HTX và liên hệ hợp tác. Đến nay, HTX đã thỏa thuận, đàm phán với một doanh nghiệp và thống nhất việc doanh nghiệp sẽ đầu tư sản xuất từ quy trình sản xuất đến bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường tự do từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. HTX đang hoàn tất các thủ tục liên quan để ký hợp đồng chính thức.
Còn tại huyện Tánh Linh có diện tích sầu riêng hơn 200 ha, được trồng ở thôn 5 (vùng Tà Pứa) - xã Đức Phú và thôn Đa Mi - xã La Ngâu. Trên địa bàn có Chi hội nghề nghiệp trồng cây sầu riêng Đức Phú với 32 hội viên, canh tác sầu riêng trên diện tích 47,7 ha. Ngoài ra, tại Đức Linh có khoảng 1.200 ha, với 3 đơn vị liên kết sản xuất lớn, gồm HTX Sầu riêng Rô Mô - thôn 10, xã Đa Kai; Tổ liên kết sản xuất sầu riêng VietGAP xã Đa Kai - thôn 7 và thôn 10, xã Đa Kai và Tổ hợp tác sầu riêng Tà Pứa - thôn 7, xã Mê Pu.
Cơ hội và rủi ro?
Những năm gần đây, diện tích sầu riêng phát triển nhanh tại các vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. Cả nước đã tăng diện tích trồng sầu riêng lên 84,4 ngàn ha, sản lượng hơn 700 ngàn tấn. Hiện nay xuất khẩu sầu riêng chủ yếu dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông.
Với vùng sầu riêng tại Bình Thuận, bà con gặp nhiều khó khăn về chi phí đầu tư khá cao và kỹ thuật chăm sóc khó. Hơn nữa, vấn đề sâu bệnh trên cây sầu riêng rất khó kiểm soát, nhất là sâu đục thân, bệnh xì mủ dẫn đến năng suất thấp. Đáng chú ý nhất là gần đây nhiều loại trái cây rớt giá sâu, chỉ trái sầu riêng có giá khá ổn định nên nhiều địa phương phát triển nhanh chóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế. Thậm chí không ít hộ dân tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng, điều này đã tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức, trong đó quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến.
Theo đề xuất của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để phát triển sản xuất sầu riêng hiệu quả cao, bền vững, đơn vị sẽ tiếp tục đào tạo, tập huấn cho cán bộ cơ sở, nông dân sản xuất sầu riêng về liên kết sản xuất vùng nguyên liệu lớn. Bên cạnh, cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình canh tác tiết kiệm vật tư đầu vào, nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó biến đổi khí hậu. Trung tâm cũng đề xuất các sở ngành liên quan cần tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Chính quyền địa phương các cấp rà soát diện tích trên địa bàn, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung. Áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và giá trị trái sầu riêng để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhiều thị trường. Tổ chức liên kết các vùng sản xuất, liên kết các địa phương để rải vụ thu hoạch sầu riêng có hiệu quả. Sự gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà” gồm nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ thúc đẩy cơ hội và hạn chế rủi ro khi diện tích sầu riêng đang không ngừng mở rộng.