Theo dõi trên

Mong dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sớm triển khai

27/03/2018, 10:51

BT- Đó là chia sẻ chung của nhiều hộ dân nằm trong dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết – Dầu Giây.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (tên gọi mới dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết – Dầu Giây) được Bộ GT-VT phê duyệt tại Quyết định số 1495/QD/BGTVT ngày 7/7/2011, có tổng chiều dài hơn 101 km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Trong đó, chiều dài tuyến thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận là 47 km, qua địa bàn 2 huyện Hàm Tân (23 km) và Hàm Thuận Nam (24 km).

                
Dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

Mong sớm triển khai

Sau khi dự án được phê duyệt thì mọi công việc liên quan đến dự án được các sở ngành, huyện, thị có liên quan triển khai trong trạng thái gấp rút. Người dân ở các huyện có liên quan đến dự án đã biết về chủ trương, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng tuyến đường cao tốc đi qua. Tất cả họ sẵn sàng giao đất cho dự án và giữ nguyên hiện trạng chờ giải tỏa đền bù, ngoài canh tác ngắn ngày.

Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua kể từ buổi đầu triển khai rốt ráo năm 2014, dự án vẫn chưa triển khai ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Anh Nguyễn Đăng Phước – làm nghề sửa xe máy ở thôn Tà Mon, xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam) – một trong 4 xã của huyện có dự án đường cao tốc đi qua chia sẻ, biết chủ trương làm đường cao tốc, bản thân tôi và gia đình đều ủng hộ. Khi đó thấy phát động giải tỏa ồ ạt và gấp rút, tôi sợ giải tỏa sẽ không có chỗ “làm ăn”, và tưởng dự án triển khai ngay nên đã vay tiền ngân hàng, bà con họ hàng 176 triệu đồng để mua miếng đất khác, hẹn sẽ trả lại ngay khi nhận được tiền đền bù. Không hiểu sao cho đến nay đã 5 năm mà dự án vẫn chưa làm. Nợ nần người ta đến đòi không biết lấy gì trả.

Ngoài anh Phước, nhiều gia đình khác cũng bức xúc khi nhà cửa bị hư hỏng không dám xây mới, sửa sang. Một số hộ có đất sản xuất nằm trong dự án không thể đầu tư cố định lâu dài.  Anh Huỳnh Trường Giang ở cùng thôn cũng chia sẻ, cha mẹ anh có một miếng đất chia làm hai phần, phần của anh nằm trong dự án, còn phần đất của anh trai thì không. Nhiều năm qua, anh trai của anh đầu tư trồng thanh long cho thu nhập khá, còn anh không dám canh tác. Trong khi, ông Lâm Hồng Điệp có trang trại nuôi gà cũng nằm trong đất dự án, không dám đầu tư kinh doanh lâu dài, phải chuyển đi nơi khác khá tốn kém, nhưng chẳng biết bao giờ dự án triển khai. Ông Điệp cho biết, đường cao tốc là dự án lớn của quốc gia để phát triển đất nước. Chúng tôi rất vui mừng, đồng tình ủng hộ, nhưng phải làm sao để người dân an tâm. Kết thúc dự án càng sớm càng tốt để người dân ổn định cuộc sống và sản xuất – kinh doanh, ông Điệp nói thêm.  

Kiến nghị

Không thể kiên trì lâu hơn, người dân nằm trong dự án đã nhiều lần phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Với mong muốn nhận được câu trả lời, “có hay không và khi nào” triển khai dự án để họ còn tính chuyện sản xuất – kinh doanh lâu dài. Ông Điệp cho biết, ông nhiều lần phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng không thấy trả lời, vẫn điệp khúc chờ. Nhiều gia đình hiện đã liều xây nhà, canh tác để sống. Ông cho biết, nếu dự án không làm sớm sau này sẽ gặp khó trong việc giải tỏa đền bù.

Trước cảnh người dân bức xúc, UBND các xã không có cách giải thích khác hơn, ngoài việc yêu cầu người dân cứ hoạt động trên phần đất của mình bình thường nếu quá 6 tháng kể từ ngày chưa triển khai dự án, nhưng không được phép sang nhượng hoặc thay đổi hiện trạng quá lớn. Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Lộc cho biết, vấn đề bức xúc của người dân, chúng tôi đã kiến nghị lên các ngành chức năng có liên quan, nhưng chưa thể trả lời vì dự án thuộc cấp Bộ.

“Qua các cuộc họp, chúng tôi được biết, dự án đang có sự thay đổi, thay vì 4 làn đường như đã phê duyệt trước đây, nay là 6 làn đường. Công tác giải phóng mặt bằng có thể làm lại từ đầu do phát sinh thêm 2 làn đường và hiện trạng 4 làn trước đây có thể đã bị thay đổi”, ông Lộc nói thêm.

Dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây ban đầu có quy mô 4 làn xe được triển khai từ năm 2008, đến năm 2014 đã thực hiện xong việc cắm cọc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cuối năm 2017, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, trong đó có đoạn Phan Thiết – Dầu Giây theo quy mô là 6 làn xe.  Vì vậy, dự án phải điều chỉnh lại diện tích thu hồi đất để đảm bảo mặt bằng.

    
      Theo Báo cáo số 57/BC-UBND ngày 7/3/2018 của UBND tỉnh về tình hình   triển khai dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua Bình Thuận,   tỉnh đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm có văn bản thống nhất quy mô   đầu tư, phạm vi giải phóng mặt bằng dự án theo chủ trương mới để tiến   hành đo đạc lại làm cơ sở đền bù, chi trả cho các hộ dân.  đồng thời, bố trí kinh phí   cho địa phương để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.  

Ninh Chinh – Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mong dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sớm triển khai