Là món đặc sản ai cũng ưa dùng, chỉ cần nghe tả đã thèm ngay. Do vậy, tối qua tôi theo chân anh Năm (người Ngũ Phụng) đi soibánh ương để ăn một lần cho biết.
“Đồ nghề” đi soi chỉ cần một cái xô lớn, chiếc đèn pin và đôi ủng là xong. “Khi đi, soi đèn về trước, gặp những đốm sáng màu đỏ phản lại nghĩa là có bánh ương” anh Năm “truyền nghề”.
Quả đúng như thế, chỉ hai tiếng đồng hồ thả bộ từ Phú An xuống thôn Quý Thạnh chúng tôi đã bắt được môt xô, độ sáu – bảy chục con.
Ở nhà, chị Tuyết vợ anh Năm đã chuẩn bị xong dụng cụ sơ chế bánh ương. Một nắm muối hột bỏ vô xô, xóc đều cho bánh ương hết nhớt; đem rửa sạch.
Thành quả đi soi của chúng tôi được chia làm hai phần; một luộc, một nấu canh chua.
Đối với món luộc, chỉ cần rửa sạch nhớt sau khi xóc muối hột. Rồi để nguyên con như thế luộc. Khi ăn chỉ cần xé để lấy phần ruột bỏ, còn lại dùng hết. Nước chấm là nước mắm mặn dầm ớt xanh, hoặc thêm ít me chín. Dùng kèm với vài cộng rau húng, rau răm.
Món canh thì cầu kỳ hơn. Sau khi rửa sạch nhớt, bánh ương sẽ được chặt ra từng khúc nhỏ chừng ngón tay, đem ướp với hành ớt và gia vị. Để vài phút cho ngấm, đem xào sơ qua với dầu ăn, cho nước dùng vào đun sôi lên, cho nắm lá me non mà hai đứa con anh Năm vừa hái bên hiên nhà vào, nêm nếm cho vừa miệng, nhắc xuống cho ít hành lá và rau quế là dùng ngay.
Trong không gian rì rào của sóng biển và khí trời se lạnh của đầu mùa mưa món bánh ương càng kích thích vị giác, cảm xúc thật bay bổng, yên bình.
Chị Tuyết cũng cho hay, ngoài hai món trên thì bánh ương còn chế biến nhiều món khác như nướng bếp than, trộngỏi,…
Ngoài những người đi soi “tài tử” chỉ để dùng như anh Năm, ở Phú Quý có những người làm nghề soi bánh ương chuyên nghiệp để cung ứng ra thị trường. Hiện tại, giá khoảng 20.000 đồng/chục con.
Hãy đến Phú Quý, thử đi soi và dùng món bánh ương du khách sẽ nhớ mãi cho xem.
Thành Danh