5 năm, 410 người chết vì bệnh dại
5 năm qua, Việt Nam có 410 người chết vì bệnh dại, hơn 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng. Cụ thể, năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 có 23 ca tử vong do bệnh dại. Đó là thông tin của Bộ Y tế. Tại Bình Thuận, năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 3 ca tử vong nghi do bệnh dại. Mới đây, một bệnh nhân ở Liên Hương (Tuy Phong) tử vong nghi do bệnh dại. Bởi chó nhà cắn cách đây 6 tháng và chó này chưa được tiêm vắc xin dại, bị chó thả rông cắn trước khi cắn chủ nhà. Điều đáng chú ý là bệnh nhân không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó cắn. Đây là trường hợp tử vong nghi do bệnh dại đầu tiên ở Bình Thuận tính từ đầu năm 2023 đến nay. Qua đó cảnh báo nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao, nếu không phòng và kiểm soát hiệu quả.
Theo các bác sĩ, thời gian ủ bệnh dại ở mỗi người khác nhau; thường từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài hàng năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, vết cắn nông sâu, khoảng cách từ vết thương đến não bộ. Khi lên cơn dại, động vật và người đều tử vong. Vì vậy, cần tiêm vắc xin phòng dại trên chó mèo và người khi bị chó mèo cắn. Đáng chú ý, thời điểm này là mùa hè nắng nóng - điều kiện thuận lợi cho bệnh dại có thể bùng phát.
Song, tình trạng chó không được rọ mõm, không người dắt thả rông khắp nơi, dễ dàng bắt gặp khi đi lại trên đường. Ngoài chuyện chó tấn công gây thương tích, lây truyền bệnh dại, chó còn phóng uế bừa bãi ở trong khu dân cư, nơi công cộng. Thậm chí, chó chạy qua đường bất ngờ làm cho người điều khiển xe té ngã… hoặc gây tai nạn giao thông.
Luật quy định, nhưng chưa chấp hành
Trong khi đó, khoản 2, điều 7 – Nghị định số 90 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y về phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Tại điểm b, khoản 1, điều 7, Nghị định 144 của Chính phủ quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng. Mặc dù văn bản pháp luật đã ban hành với quy định cụ thể trách nhiệm người nuôi chó, mức xử phạt cho hành vi nuôi thả chó chạy rông… nhưng trong thực tế, nhiều hộ nuôi chó, mèo vi phạm những điều khoản trên mà vẫn chưa được xử lý theo quy định.
Nhìn ra ngoài tỉnh, một số tỉnh, thành đã thành lập đội bắt chó thả rông không đeo rọ mõm và động vật mắc bệnh dại, cưỡng chế tiêm vắc xin dại cho chó, mèo từ năm 2022 đến nay. Thêm vào đó, chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký, cam kết với địa phương, xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; khi đưa ra ngoài phải có xích, rọ mõm và có người dắt…
Bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận chia sẻ: Với 1 ca tử vong nghi do bệnh dại ở Tuy Phong, Sở Y tế Bình Thuận có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục quan tâm công tác phòng, chống bệnh dại động vật. Đó là tuyên truyền vận động những gia đình nuôi chó, mèo tiêm phòng vắc xin dại đầy đủ cho vật nuôi; hướng dẫn các biện pháp quản lý chó, mèo khi thả rông ngoài cộng đồng. Đồng thời, có biện pháp xử lý đối với đàn chó, mèo chạy rông ngoài cộng đồng. Tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh dại trên động vật nhằm phòng ngừa lây truyền dại từ động vật sang người; giám sát, phát hiện và xử lý các ổ dịch dại trên động vật; cũng như kịp thời chia sẻ thông tin để ngành y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm sang người.