Theo dõi trên

Mỹ đang đẩy EU vào vòng tay Trung Quốc

07/06/2017, 16:51

Trong bối cảnh có những xáo trộn lớn về chính trị toàn cầu, EU và Trung Quốc muốn cùng nhau hợp tác để tháo gỡ những vấn đề mà thế giới đang gặp phải.

                
      
      Thủ tướng Trung Quốc    Lý Khắc Cường bắt tay Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk và Chủ tịch    Uỷ ban EU Jean-Clauder Junker tại Brussels.

Trả lời phỏng vấn Hãng Phát thanh và Truyền hình Đức (Deutsche Welle), ông Jan Gaspers, trưởng ban chính sách Âu-Trung thuộc Viện Nghiên cứu MERICS tại Berlin, đã đưa ra những nhận định về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa EU với Trung Quốc trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những bất ổn lớn do bị tác động bởi những sự kiện như Anh rút khỏi EU và việc ông Trump giữ cương vị Tổng thống Mỹ.

** Chuyến thăm Brussels đáng thất vọng của Tổng thống Donald Trump có phải là điềm báo về mối quan hệ gần gũi hơn giữa EU và Mỹ?

Jan Gaspers: Hiện nay, EU có nhiều mối quan tâm chung với Trung Quốc hơn là với Mỹ. Những giá trị được chia sẻ này đặc biệt thể hiện rõ nét trong chính sách về khí hậu và thương mại toàn cầu, mặc dù hầu hết sự hợp tác này mới dừng lại ở những cam kết. Mặc dù vậy, giữa các chính khách Trung Quốc và châu Âu có sự trao đổi tích cực và hiệu quả và điều này còn do chính sách đối ngoại không thể dự đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cả Trung Quốc và các cường quốc châu Âu đều nhìn nhận chính sách đối ngoại của Mỹ là không đáng tin cậy và thiển cận.

** Gần đây, Trung Quốc đã chính thức triển khai dự án kinh tế "Vành đai, Con đường” (OBOR). Song EU có nhiều lo ngại về dự án này. Liệu phản ứng của EU đối với dự án "Con đường Tơ lụa Mới” của Trung Quốc có ảnh hưởng bất lợi đến mối quan hệ EU-Trung Quốc?

Jan Gaspers: Chỉ trích mang tính xây dựng của EU đối với sáng kiến Con đường Tơ lụa là không có gì sai. Về dự án này của Trung Quốc, không phải mọi thứ lấp lánh đều là vàng. Nhiều dự án được vạch ra trong khuôn khổ Con đường Tơ lụa ẩn chứa những rủi ro lớn về kinh tế và an ninh không chỉ đối với Bắc Kinh mà còn cả với các nước dọc Con đường Tơ lụa. Ở một số nơi, chúng ta có thể thấy nguy cơ vỡ nợ đối với những khoản vay lớn mà Trung Quốc cấp, sự bất ổn tài chính cũng như gia tăng xung đột trong khu vực.

Mặc dù vậy, đề xướng này cũng có tiềm năng lớn để mở ra các cơ hội kinh tế mới và thúc đẩy những xung lượng phát triển trong khu vực Âu - Á. Dĩ nhiên, điều này nằm trong lợi ích của châu Âu. Tuy nhiên, Hội nghị Con đường Tơ lụa tại Bắc Kinh gần đây cho thấy các nước thành viên lớn của EU theo đuổi những lợi ích quốc gia riêng rẽ khi tham gia Dự án Con đường Tơ lụa.

Tuy nhiên, cái đích mà Bắc Kinh chủ yếu muốn đạt được là được ghi nhận và nhận được sự ủng hộ về chính trị đối với đề xướng này trên khắp châu Âu.

** Thoả thuận đầu tư dự kiến giữa Trung Quốc và EU đang trong tình trạng nào? EU đòi hỏi "quyền tiếp cận thị trường bình đẳng” đối với các công ty EU tại Trung Quốc. Liệu sẽ có bất kỳ tiến triển nào về vấn đề này?

Jan Gaspers: EU và Trung Quốc đã tiến hành 13 cuộc họp về vấn đề này và cuộc họp cuối cùng được tổ chức tại Bắc Kinh vào trung tuần tháng 5. Bầu không khí chính trị giữa hai bên đã được cải thiện song chưa có tiến bộ đáng kể về vấn đề này.

Về giác độ của châu Âu, Trung Quốc vẫn chưa cho thấy đủ tiến bộ về những vấn đề tập trung hoá. Uỷ viên châu Âu phụ trách về Thương mại, bà Cecilia Malmström, gần đây đã một lần nữa yêu sách rằng chính phủ Trung Quốc cần phải giảm sự tác động của mình đối với nền kinh tế để cho phép sự cạnh tranh kinh tế bình đẳng trong nước. Bà còn chỉ trích một thực tế rằng các công ty châu Âu tại Trung Quốc liên tục vấp phải những quy định và điều lệ không rành mạch, các hoạt động thanh tra và kiểm toán kinh doanh đáng ngờ.

** EU xem mình không chỉ là một khối kinh tế mà còn là một cộng đồng của các giá trị. EU có thể bày tỏ mối quan ngại của mình trong chừng mực nào về các chính sách đối ngoại và an ninh của Bắc Kinh, ví dụ về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông?

Jan Gaspers: Phạm vi hành động trong các lĩnh vực này đã giảm đáng kể trong những năm qua và gần đây vì Mỹ trở nên là một liên minh không đáng tin cậy về chính sách đối ngoại dựa trên nền tảng giá trị. Ngoài ra, Bắc Kinh đã có thể phá vỡ sự thống nhất trong EU về các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Đây là vấn đề mà trong đó hệ quả chính trị đầu tiên của việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư đã xuất hiện, đặc biệt là ở Trung và Nam Âu.

Châu Âu chắc chắn không ở vị thế để quyết định sẽ làm thế nào để tác động đến các chính sách Trung Quốc một cách hiệu quả. Châu Âu cần suy nghĩ về cách thức đưa Trung Quốc tham gia vào những vấn đề khác vì lợi ích của mình, như hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, củng cố cơ chế thương mại quốc tế và các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

CTV Xuân Hương/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cầu truyền hình 'Dưới lá cờ quyết thắng' kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã diễn ra tối 5/5 tại 5 điểm cầu: Khu vực Sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1 (Điện Biên); Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa); Nhà rông Kon Klor (Kon Tum), Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh).
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đang đẩy EU vào vòng tay Trung Quốc