Theo đó, năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu có 11.900 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, diện tích cấp chứng nhận mới tại huyện Hàm Thuận Nam 200 ha, tái cấp chứng nhận trên 5.200 ha; Hàm Thuận Bắc tái cấp trên 2.000 ha; Bắc Bình cấp mới 20 ha, tái cấp 382 ha… Đối tượng triển khai tại các tổ hợp tác, nhóm liên kết trồng thanh long; các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân trồng thanh long.
UBND tỉnh đề nghị các tổ chức (hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết) sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia và xây dựng tổ hợp tác, nhóm liên kết, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đúng quy định. Trên cơ sở diện tích đã phân bổ, tiến hành vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô hợp lý để thuận lợi trong quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này.
Đối với diện tích thanh long còn hiệu lực chứng nhận VietGAP, tăng cường đánh giá định kỳ và đột xuất để duy trì sản xuất theo VietGAP. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra nội bộ (ít nhất mỗi năm một lần) và lưu hồ sơ trong quá trình thực hiện. Tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất theo đúng yêu cầu VietGAP và thực hiện các thủ tục đăng ký tái cấp chứng nhận đúng thời gian quy định. Đối với diện tích thanh long đăng ký chứng nhận mới và tái cấp chứng nhận VietGAP năm 2022, cơ quan chức năng khảo sát, phân tích đánh giá các chỉ tiêu của mẫu đất, nước ở vùng sản xuất. Qua đó, tổ chức thực hiện việc lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích đánh giá nguy cơ ô nhiễm cho tất cả các diện tích đăng ký chứng nhận sản xuất theo yêu cầu VietGAP. Cùng với đó, triển khai đào tạo và hướng dẫn các quy định yêu cầu VietGAP; tổ chức lấy mẫu trái và cấp giấy chứng nhận.
Theo UBND tỉnh, chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2022 trên địa bàn tỉnhtiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đã được quy định. Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị, địa phương liên quan phối hợp triển khai chương trình.
Trước đó, theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến tháng 6/2022, diện tích thanh long VietGAP toàn tỉnh đạt gần 12.300 ha.