Theo dõi trên

Nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025: Chìa khóa “để thành công”

10/11/2022, 05:25

Ngày 7/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Đây là “chìa khóa” để các cấp ủy cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách sâu sát, quyết liệt hơn. Từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh gắn với xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và tổ chức.

Đột phá tư duy và hành động

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là các chỉ số có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá tính hiệu quả, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh phục vụ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời các chỉ số này cũng nói lên sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh và sự năng động sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo ở địa phương. Đây là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

hinh-chi-thi-111.jpg

Mặc dù các chỉ số nói trên của tỉnh Bình Thuận trong 3 năm gần đây (từ 2018 - 2020) có nội dung, chỉ số thành phần cải thiện về điểm số hoặc thứ hạng. Tuy nhiên mức độ cải thiện còn chậm, kết quả chung các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI thuộc nhóm tỉnh, thành thấp nhất cả nước. Điểm số và thứ hạng Chỉ số PCI có xu hướng giảm.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan đến từ yếu tố con người. Đó chính là thái độ giao tiếp của một bộ phận công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa chưa ân cần, niềm nở, chưa tận tình hướng dẫn, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp. Còn tình trạng công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân trong phối hợp xử lý công việc. Kết quả lấy ý kiến khảo sát cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh: Nhiều ý kiến chưa đánh giá cao về kết quả tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính của tỉnh, trong đó tự đánh giá về công tác cải cách hành chính thuộc lĩnh vực của cơ quan, đơn vị mình tham mưu, phụ trách và triển khai thực hiện chưa tốt, như: Về xây dựng và tổ chức thực hiện cải cách tổ chức bộ máy và tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ, thực hiện cải cách tài chính công của đơn vị, ứng dụng ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính, mức độ đầy đủ, kịp thời việc cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của đơn vị…

Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao thứ hạng các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Xem đây là nhiệm vụ thường xuyên cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu… Từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh gắn với xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và tổ chức.

Hiệu quả bước đầu

Sau khi chỉ thị được ban hành, việc cụ thể hóa Chỉ thị 11 được triển khai đồng bộ, quyết liệt trong hệ thống chính quyền và các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người lao động, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp đã chuyển biến tích cực, đã xác định được tầm quan trọng trong công tác cải cách hành chính và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện các chỉ số trên địa bàn tỉnh.

Nhiều mô hình cũng được thí điểm và từng bước được nhân rộng, như mô hình “Chuyển giao để Bưu điện thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân”; mô hình “Công dân không viết”; mô hình “Hướng dẫn nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4”. Trong đó mô hình “Công dân không viết” được các địa phương thành lập các đội tình nguyện trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn và kê khai thủ tục hành chính hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân trong việc kê khai hồ sơ đối với các TTHC có mức độ phức tạp cao, hỗ trợ cho các trường hợp là người cao tuổi, người không biết chữ và các trường hợp gặp khó khăn trong kê khai hồ sơ TTHC.

Bầu không khí đổi mới cùng sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã truyền “sức nóng”, truyền “lửa cải cách” đến từng cán bộ, công chức, viên chức. Đây chính là “chìa khóa” quan trọng giúp Bình Thuận đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, đến cuối năm 2021, Chỉ số PAPI đạt 41,15/80 điểm, tăng 3,17 điểm và tăng 41 bậc (xếp thứ 12/63 tỉnh, thành); Chỉ số PCI đạt 65,96 điểm, tăng 2,67 điểm và tăng 13 bậc (xếp thứ 21/63 tỉnh, thành); Chỉ số SIPAS đạt 83,1%, tăng 6,8% và tăng 2 bậc (xếp thứ 61/63 tỉnh, thành); Chỉ số PAR Index đạt 83,26/100 điểm, giảm 1 bậc và tăng 1,86 điểm so năm 2020 (xếp thứ 56/63 tỉnh, thành).

Trong thời gian đến, Bình Thuận sẽ tiếp tục phát huy những công việc đang làm được, những cách làm hay mô hình mới. Đồng thời từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại. Thông qua đó, tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cơ quan quản lý nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài ra, các cấp ủy cơ sở sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong cải cách hành chính, phát hiện các hành vi tiêu cực trong thực hiện các thủ tục hành chính. Đặc biệt, Bình Thuận cũng sẽ mạnh dạn thay thế ngay những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, làm ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định: “Lãnh đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; phấn đấu tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước hàng năm trên 85%)…”. Chỉ thị số 11 sẽ là “chìa khóa” để Bình Thuận thành công trong việc thực hiện các nội dung này.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư xã Tân Phước: Phát huy hiệu quả
Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn xã Tân Phước, thị xã La Gi đã mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều mặt của đời sống - xã hội, thể hiện tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025: Chìa khóa “để thành công”