Tại đầu cầu Trung ương, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị và được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành ủy. Về phía tỉnh Bình Thuận, đồng chí Nguyễn Hoài Anh- Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì, cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19, đến hết năm 2021 cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm đầu mối, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hầu hết các cơ quan đã chủ động thực hiện việc thu gọn đầu mối, các ĐVSNCL trực thuộc còn lại đến nay là các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên. Đối với các bộ, ngành, địa phương, ngoài việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trực thuộc bộ, còn thực hiện việc tổ chức, sắp xếp bộ máy theo ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi phụ trách. Tính đến thời điểm cuối năm 2021, tổng số lượng ĐVSNCL là 47.984 đơn vị, giảm 7.421 đơn vị, tương ứng giảm 13,4% so năm 2015.
Riêng tại Bình Thuận, thực hiện các quan điểm, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng các Chương trình hành động, kế hoạch dài hạn và hàng năm về sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 19-NQ/TW. Kết quả đến nay, tổng số lượng ĐVSNCL khối nhà nước là 708 đơn vị, giảm 100 đơn vị so năm 2015 và giảm 83 đơn vị so năm 2017 (đạt tỷ lệ 10,5%). Sau quá trình sắp xếp, mạng lưới ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh được quy hoạch phù hợp theo từng ngành, lĩnh vực, có sự sắp xếp, kiện toàn về số lượng đơn vị và cơ cấu tổ chức bên trong, giảm 430 đầu mối trung gian; khắc phục dần sự chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả sử dụng nhân sự, đội ngũ và biên chế…
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo sơ kết Nghị quyết 19 nhấn mạnh: Việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu; là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương cần bám sát thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu cụ thể trong dự thảo báo cáo. Trong đó trọng tâm cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tấp cả các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng về sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL. Quản lý số lượng người làm việc và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công; hoàn thiện cơ chế tài chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...