Đa dạng hình thức tuyên truyền
Bà Lê Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Dự án 8 là 1 trong 10 dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia – phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025. Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng dự án đối với phụ nữ và trẻ em, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện, theo phân công của UBND tỉnh, bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Nghị quyết của HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tích cực, chủ động xây dựng cơ chế chỉ đạo điều hành tạo sự thống nhất trong triển khai. Theo đó, Hội LHPN tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền trên các nhóm Zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên. Đồng thời tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội cấp huyện, xã và cán bộ các thôn ở địa bàn thực hiện các nội dung trong Dự án 8 như kỹ năng lập kế hoạch truyền thông, bình đẳng giới (BĐG)…
Đến nay, Hội đã triển khai 8 hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án 8, hướng dẫn xây dựng câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tổ truyền thông cộng đồng cho cán bộ huyện, xã, thôn triển khai dự án. Song song đó, khảo sát, thu thập thông tin, rà soát nắm thông tin, nhu cầu trong hội viên, phụ nữ, người dân vùng đồng bào DTTS và học sinh tại 5 trường THCS về kiến thức và công tác tuyên truyền, vận động BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình; các mô hình tăng quyền năng kinh tế, thúc đẩy BĐG; về vấn đề đảm bảo tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em, vấn đề về lồng ghép giới; các nội dung liên quan đến thành lập câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đồng thời, Hội đang phát động cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông “Lắng nghe con nói” và tiếp tục tổ chức tập huấn chuyển giao các nội dung liên quan cho cán bộ cấp huyện, xã…
Hướng đến bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS
Là một trong những xã được thụ hưởng từ dự án, bà Nguyễn Thị Giang – Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) vui mừng cho biết: Toàn xã có 191 hội viên/200 phụ nữ. Đa phần là dân tộc Rai, đời sống kinh tế còn phụ thuộc vào nương rẫy, bẻ măng, hái nấm trên rừng nên gặp nhiều khó khăn, kéo theo đó trình độ nhận thức hạn chế, ít chủ động tham gia vào các hoạt động, phong trào chung. Vì thế, dự án triển khai là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra, bản thân những cán bộ Hội cũng được chia sẻ nhiều cách làm hay trong tuyên truyền, duy trì và phát triển mô hình, giúp đỡ hội viên hiệu quả hơn…
Theo kế hoạch, trong năm 2023, Hội LHPN tỉnh sẽ thành lập và duy trì hoạt động 20 tổ truyền thông cộng đồng; 5 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 3 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách và các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, truyền thông về BĐG… tại các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi trên địa bàn 4 huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình. Cùng với đó, xây dựng, phát triển tài liệu truyền thông; theo dõi, đánh giá để nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS và năng lực về BĐG cho già làng, người có uy tín, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em…
Dự án 8 là dự án đầu tiên và đặc thù về giới được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Tại Bình Thuận dự án được thực hiện tại 20 thôn/12 xã thuộc 4 huyện là Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.