Theo dõi trên

Ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch

28/10/2022, 05:39

Các bệnh truyền nhiễm hiện đang diễn biến khó lường, có chiều hướng gia tăng. Cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng đang ứng phó cùng lúc nhiều loại bệnh truyền nhiễm như Covid-19, sốt xuất huyết (SXH); tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác có nguy cơ xâm nhập.

Chuyển mùa, nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm

Chuẩn bị vào thời điểm chuyển mùa với thời tiết nắng mưa thất thường, thì dễ phát sinh các bệnh; đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Để hiểu rõ hơn về tình hình các bệnh truyền nhiễm và biện pháp phòng chống, phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

a-thach.jpg
Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch - Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình các bệnh truyền nhiễm tại Bình Thuận trong thời gian qua và hiện nay?

Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch: Với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của các cán bộ toàn ngành y tế và sự phối hợp của người dân trong suốt thời gian qua, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Các hoạt động sinh hoạt, đi lại, tập trung học tập, giao thương, du lịch được mở cửa và hoạt động bình thường trở lại. Thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 trên toàn tỉnh ghi nhận mỗi ngày vài ca thông qua sàng lọc tại các cơ sở y tế. Riêng trong tháng 10/2022, toàn tỉnh ghi nhận 3 ca tử vong do Covid-19 sau nhiều tháng không ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh này; trong đó, có 1 trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19, 2 trường hợp còn lại tiêm 2 mũi vắc xin. Cả 3 trường hợp tử vong được đề cập đều có bệnh nền.

Cùng với đó, Bình Thuận có bệnh truyền nhiễm khác như cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue (SXHD). SXHD quay trở lại theo chu kỳ, ghi nhận số ca mắc khá cao - xấp xỉ gần 8.000 ca tính từ đầu năm 2022 đến nay. Các bệnh mới nổi và tái nổi như đậu mùa khỉ, bệnh do Adeno vi rút đang được giám sát chặt chẽ, chưa ghi nhận trường hợp mắc tính đến thời điểm này.

Ông cho biết các bệnh truyền nhiễm nào thường hay gặp ở Bình Thuận, mức độ nguy hiểm ra sao?

Tại Bình Thuận, bệnh truyền nhiễm thường hay gặp là bệnh SXHD, xảy ra quanh năm và gia tăng vào mùa mưa. Các triệu chứng gồm sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, thì bệnh này trở nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Với bệnh tay chân miệng thì thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua các chất tiết của trẻ bị bệnh bao gồm nước bọt, ban phỏng, nước phân của trẻ. Bệnh tay chân miệng được phân thành 4 cấp độ, có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch. Trẻ khởi bệnh có dấu hiệu sốt, đau họng, tổn thương, đau rát ở răng và miệng, chảy nước bọt nhiều, nổi ban ở tay, chân, mông, gối. Nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời, thì trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Đó là viêm não, yếu hoặc liệt chi, liệt dây thần kinh sọ não, viêm cơ tim, phù phổi, trụy mạch... có thể dẫn tới tử vong.

tiem-vx-covid.jpg
Tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19

Chuẩn bị đến thời điểm chuyển mùa, các loại bệnh truyền nhiễm sẽ phát triển và lây lan tại Bình Thuận như thế nào? Và ông có khuyến cáo gì đến người dân.

Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển. Các hoạt động giao lưu học tập, mua bán, sinh hoạt có thể vô tình gây thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Các dịch bệnh Zika, SXHD, cúm, viêm đường hô hấp, tay chân miệng có thể diễn biến phức tạp thêm và nguy cơ bùng phát cao nếu không cảnh giác và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Mọi nỗ lực của ngành y tế, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh sẽ không thể đủ nếu thiếu sự tham gia tích cực của người dân. Vì vậy, mọi người hãy hợp tác với cán bộ y tế khi có yêu cầu phối hợp điều tra ca bệnh, xử lý ổ dịch, các chiến dịch vệ sinh môi trường, xử lý hóa chất chủ động phòng chống dịch. Theo dõi các thông tin khuyến cáo y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, mang khẩu trang ở nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Trường hợp mắc các bệnh lý hô hấp hãy mang khẩu trang và hạn chế đến nơi đông người. Lựa chọn các thực phẩm đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh thân thể và vận động nghỉ ngơi hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

phun-thuoc-o-pq.jpg
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết

Song hành cùng dịch Covid-19, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng có diễn biến khá phức tạp, nguy cơ đáng ngại dịch chồng dịch có thể xảy ra. Để ngăn chặn nguy cơ này, ngành y tế tỉnh thực hiện các giải pháp nào trong thời gian tới?

Các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch trên địa bàn đều đang được theo dõi, giám sát chặt chẽ dựa trên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm, các hoạt động giám sát dựa vào sự kiện và cộng đồng. Từ đó, ngành y tế tỉnh nhanh chóng đánh giá tình hình dịch và kịp thời xử lý những ổ dịch mới phát sinh. Song song đó, là đẩy mạnh thông tin truyền thông về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn cách phòng bệnh tới toàn dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng, fanpage “Sức khỏe Bình Thuận” và các kênh truyền thông khác để mọi người dân cùng nắm thông tin, nâng cao hiểu biết để cùng tăng cường phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Bên cạnh đó, người dân hãy tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 đủ mũi, tiêm nhắc đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Khi phát hiện thành viên trong gia đình mắc các bệnh truyền nhiễm trên, người dân đến ngay cơ sở điều trị (tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà), thông tin với nhân viên y tế địa phương để được hỗ trợ và có kế hoạch xử lý ổ dịch khi cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

TRANG HIẾU


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tặng quà người dân Quảng Ngãi bị thiệt hại do bão lũ
Đại đức Thích Tâm Trí, trụ trì chùa Quán Âm (xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh) cùng với các mạnh thường quân vừa đến thăm, tặng quà cho người dân xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch