Theo dõi trên

Nghề “cược với tử thần”

05/04/2024, 05:10

Nếu hỏi ngư dân nghề nào nguy hiểm nhất lúc vươn khơi thì chắc có lẽ 100% đều nói là nghề lặn. Nhiều người ví nghề lặn biển như “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” phần nào đã nói lên sự nguy hiểm của nghề này.

Một thay đổi nhỏ cũng hiểm nguy

Bóng tà dần buông xuống con phố nghèo ở phường Phú Tài, TP. Phan Thiết cũng là lúc anh Trần Thanh Sơn (46 tuổi) cùng người con thứ 3 mới hoàn thành một ngày lặn biển trở về nhà. “Hôm nay cũng khá, cha con mỗi người được gần 300.000 đồng”, anh Sơn bắt đầu câu chuyện sau những lời hỏi han giữa tôi và anh. Cái nắng gió, mặn mòi của biển cả khiến anh Sơn có phần già hơn so với tuổi. Đến thời con anh Sơn thì đã là đời thứ 4 gắn bó với nghề lặn. Bản thân anh Sơn đã hơn 30 năm gắn bó với nghề lặn biển. Nghề lặn đã cho gia đình anh nhiều thứ và cũng lấy đi của gia đình anh cũng nhiều. Một người ông của anh Sơn đã mất khi đi lặn biển và một người chú thì bị ép nước (triệu chứng của bệnh giảm áp - PV) dẫn tới bị liệt toàn thân. Anh Sơn quê ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, anh Sơn theo bạn vào Phan Thiết lặn biển rồi lấy vợ định cư ở đây luôn. Khi tôi hỏi về những mối nguy hiểm mà người thợ lặn có thể gặp phải, khuôn mặt anh Sơn như nhăn lại, ánh mắt chất chứa những ưu tư. 30 năm gắn bó với nghề lặn, những nguy hiểm khi làm nghề anh Sơn đều đã trải qua, kể cả việc chạm tới lằn ranh sinh – tử.

tho-lan.jpg
Giữa trùng khơi, không biết chuyện gì có thể xảy ra với người thợ lặn.

“Với nghề này, một sự thay đổi dù nhỏ cũng có thể gây ra nguy hiểm cho người thợ lặn. Một cơn sóng lớn, một chiếc tàu khác vô tình đi qua vùng biển người thợ đang lặn, một sự thay đổi nhẹ trong cơ thể cũng có thể tạo ra nguy hiểm khi đang ở dưới đáy đại dương…”, anh Sơn chia sẻ. Đúng vậy, không chỉ anh Sơn mà tất thảy những người thợ lặn tôi đã từng tiếp xúc đều có những nhận xét như vậy khi nói về nguy hiểm của nghề lặn biển. Giữa biển cả mênh mông, chiếc tàu đánh cá hàng chục tấn nhìn đã nhỏ bé huống hồ gì một người thợ lặn. Đã vậy, khi người thợ nhảy xuống đại dương thì thứ duy nhất gắn họ với sự sống là những chiếc ống thở chỉ to bằng ngón tay. Trong 30 năm gắn bó với nghề, không biết bao nhiêu lần anh Sơn đã trải qua những mối hiểm nguy. Không ít lần, anh Sơn đang lặn dưới biển thì tàu lớn đi qua, chân vịt cắt đứt ống thở. Rồi có những lúc, đang lặn bắt hải sản ngon lành máy thổi khí bỗng gặp sự cố tắt lịm. Rồi có những lúc ra khơi vào mùa biển động, sóng lớn đẩy thuyền ra xa vị trí ban đầu dẫn tới đứt, nghẹt ống thở. Những lúc như vậy, người thợ lặn chỉ còn biết cắt bỏ đồ nghề, ngoi thật nhanh lên mặt biển để giành sự sống. Nhưng cũng có lúc, đã ngoi được lên mặt biển nhưng gặp trời động, bạn nghề không nhìn thấy bị bỏ trôi giữa mênh mông trùng khơi, sự sống mong manh như ngọn đèn trước gió. “Nghề lặn này vốn khắc nghiệt, không ai dám khẳng định mình giỏi. Cũng độ sâu ấy bao nhiêu năm lặn không sao nhưng chỉ cần trong người mệt mỏi hay tác động từ phía bên ngoài là xảy ra sự cố. Người thợ lặn ngoài kinh nghiệm thì điều vượt qua những lúc nguy cấp là niềm tin ông bà độ, trời cứu”, anh Sơn trải lòng.

Với ngư dân, khi đi biển mà trúng luồng hải sản là niềm vui, là hạnh phúc. Nhưng với nghề lặn, trúng điểm có nhiều hải sản dĩ nhiên là vui nhưng trong niềm vui ấy có cả những hiểm nguy thậm chí là đối diện với tử thần.

tho-lan-2.jpg
Trúng hải sản vừa là niềm vui, vừa là nguy hiểm đối với thợ lặn biển (ảnh Pháp thợ lặn biển 86).

Ma lực biển khơi

Những người thợ lặn thường truyền tai nhau về nguy hiểm bởi sức hút kỳ lạ khi trúng luồng hải sản. Năm 1995, anh Sơn khi đó mới 17 tuổi, trong quá trình lặn biển bắt sò bàn mai thì trúng ổ. “Ở điểm đó, sò bàn mai nằm xếp lớp, chỉ cần thò tay xuống là lấy lên những con to cỡ bàn tay xòe. Sò bàn mai nhiều quá khiến mình bị cuốn, trong đầu chỉ nghĩ đến việc lấy càng nhiều càng tốt mà không biết mình đã đi xa và lặn xuống quá sâu. Khi phát hiện ra thì trước mắt đã tối sập xuống, ngất lịm giữa lòng đại dương”, anh Sơn nhớ lại. Cũng may là bạn lặn kịp thời phát hiện đưa lên cấp cứu và thời điểm đó anh Sơn còn trẻ nên nhanh chóng vượt qua cửa tử.

Không may mắn như anh Sơn, cách nhà vài trăm mét, anh Dương Văn Điện (SN 1968) 25 năm nay phải sống trong cảnh bị liệt 2 chân vì bị ép nước. Anh Điện sinh ra ở tỉnh Quảng Ngãi, lúc ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, anh Điện từng ra vùng biển Hoàng Sa lặn ở độ sâu 30 – 40m. Rồi anh vào Bình Thuận hành nghề, bén duyên lấy vợ định cư. Ngày xảy ra sự cố, anh Điện lặn ở độ sâu chưa tới 20m để bắt sò bàn mai. Ngày đó, thu nhập từ nghề lặn rất cao. Ham thu nhập cao nên mỗi lần xuống biển anh Điện cố gắng bắt thật nhiều sò bàn mai nhất có thể. “Lúc đó mới 31 tuổi, sức khỏe có nên độ sâu đó là bình thường với mình. Nhưng không ngờ ngày hôm đó đang lặn thì thấy đầu choáng váng rồi lịm đi trong tích tắc. Bạn lặn thấy lâu quá mình không lên nên lặn xuống rồi đưa mình lên”, anh Điện nhớ lại. Sau này, khi đã tỉnh táo, anh Điện được những người bạn kể lại thời điểm đưa anh lên tàu thì anh gần như đã ngưng thở. Bạn thuyền vừa đưa anh vào đất liền vừa liên lạc với gia đình mua áo quan chuẩn bị hậu sự. Nhưng rồi kỳ tích đã đến, khi về đến cảng thì mọi người phát hiện anh vẫn còn thoi thóp thở nên đưa đi cấp cứu.

Trong ký ức những người thợ lặn lâu năm ở Bình Thuận thì thời điểm huy hoàng nhất và cũng là tang thương nhất của nghề lặn là những năm 1995 đến khoảng những năm 2000. Thời điểm đó, thu nhập mỗi ngày của một thợ lặn khoảng 500.000 – 700.000 đồng, tương đương khoảng 1, 2 chỉ vàng là chuyện bình thường. Ai chăm chỉ đi lặn vài ngày sắm một cây vàng là trong tầm tay. Thấy thu nhập cao nên nhiều người từ các tỉnh miền Trung đổ xô vào Bình Thuận để xin đi làm. Ban đầu chỉ là phụ kéo dây nhưng thấy thu nhập “khủng” từ việc lặn nên họ xin học nghề. Có người nhỏ lớn chưa biết nghề lặn là gì cũng tập tành ngậm ống thở. Rồi một vài hôm thì xin xuống lặn chính thức. Kinh nghiệm không có, kỹ năng thoát hiểm cũng không nên thời điểm đó, thợ lặn gặp sự cố khi lặn biển xảy ra rất nhiều. Cứ một vài tháng lại có một người tử vong, còn số thợ lặn bị ép nước rồi bị liệt, bị tổn hại sức khỏe thì nhiều vô số. Số vụ tai nạn lao động liên quan đến lặn biển nhiều đến mức các ngành chức năng phải tổ chức những lớp đào tạo ngắn hạn, rồi kiểm tra sức khỏe mới cho làm nghề lặn để hạn chế các sự cố xảy ra.

tho-lan-1.jpg
Thứ duy nhất duy trì sự sống của người thợ lặn dưới đáy biển là ống thở.

Nghề lặn biển xưa giờ vốn dĩ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng vẫn có người lấy nghề này để lo cuộc sống mưu sinh. Có người theo nghề là cha truyền con nối, có người đến với nghề lặn như cái duyên, nghề chọn người rồi gánh luôn cái nghiệp của nghề. Thu nhập từ nghề lặn so với trước đây thì không bằng nhưng so với các nghề khác thì có phần nhỉnh hơn, đủ để các thợ lặn lo cho gia đình, nuôi con cái khôn lớn. Cả ngày ngâm mình dưới lòng đại dương bao la nơi ánh mặt trời không thể chiếu xuống nên nhiều người ví nghề lặn là nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Nhưng câu nói đó cũng bao hàm cả sự nguy hiểm của nghề này. Có thể mới ăn cùng nhau chén cơm nhưng vài tiếng sau đã âm dương cách biệt…

Chỉ trong vòng 6 ngày, từ 23 - 28/3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ việc thợ lặn gặp sự cố khi lặn biển khiến 3 người tử vong. Trong đó người lớn tuổi nhất là 53 tuổi và người nhỏ tuổi nhất mới 23 tuổi.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tăng cường quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất tiêu thụ trong nước
Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương về việc tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất tiêu thụ trong nước trên địa bàn Bình Thuận.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề “cược với tử thần”