Theo dõi trên

Ngư dân Bình Thuận bắt đầu vào vụ cá nam

03/06/2024, 05:05

Vụ cá nam bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, đây là vụ khai thác hải sản chính trong năm của ngư dân ven biển Bình Thuận, nên hầu hết đều hy vọng mùa cá năm nay sẽ bội thu. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 5 không khí tại các cảng cá trong tỉnh có vẻ đìu hiu, ít sôi động do ảnh hưởng đợt áp thấp nhiệt đới.

Hy vọng mùa vụ bội thu

Những ngày này, tại các cảng cá lớn trong tỉnh như Cồn Chà, Phú Hải (TP. Phan Thiết), cảng cá Phan Rí Cửa (Tuy Phong)... ít nhộn nhịp cảnh tàu thuyền thay phiên vào cập bờ bốc dỡ hải sản bán cho thương lái. Có lẽ, những ngày qua ảnh hưởng đợt áp thấp nhiệt đới, nên ít tàu thuyền vươn khơi khai thác hải sản. Cuối tháng 5, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã cảnh báo có đợt áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh, có khả năng phát triển thành bão, do đó yêu cầu các địa phương ven biển quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

z5281841648522_5103ab2c2d0fcc1b0efaf28ac6791c95.jpg
Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, nhiều tàu đánh bắt xa bờ neo đậu ven sông Cà Ty.

Ghé cảng cá Phú Hải vào buổi sớm, chỉ có vài chiếc tàu đang vận chuyển lương thực, thực phẩm, tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh để vươn khơi. Tàu của ngư dân Phan Văn Chi - khu phố 2 – phường Phú Hài đang vận chuyển lương thực xuống tàu chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo sau khi nằm bờ hơn tuần nay. Ông Chi cho biết: “Tàu của tôi chuyên hành nghề vây rút chì, từ đầu năm đến nay, tôi chỉ đi biển được vài chuyến vì sản lượng thủy sản chưa nhiều. Mỗi chuyến biển tôi đi tầm 2 – 3 ngày thu về khoảng 30 triệu đồng. Mỗi tháng bạn thuyền chia được tầm 5 – 7 triệu đồng, ít hơn so với năm ngoái. Vì hiện nay chi phí nhiên liệu cho chuyến biển khá cao, trung bình hơn 100 triệu đồng/tháng cho phí tổn. Chúng tôi cố gắng duy trì khi thời tiết thuận lợi, hy vọng vào tháng 6 – 7 âm lịch là thời điểm đánh bắt chính trong năm, ngư dân sẽ có lãi nhiều hơn”. Ngư dân Nguyễn Phát Huy – khu phố 5 – Phú Hài chia sẻ thêm: “Mấy ngày qua, ngành chức năng cũng thông báo có đợt áp thấp trên biển, nên nhiều tàu đánh bắt xa bờ nằm nhà, đợi vài ngày thời tiết thuận lợi hơn tàu của tôi sẽ vươn khơi. Tháng trước, hầu hết tàu thuyền đều vươn khơi nhưng sản lượng chưa nhiều, chủ yếu là cá nục, trau tráu, cá cơm, cá chù, mực… Sang tháng 6, các cảng cá nơi đây sẽ nhộn nhịp hơn”.

vu-ca-nam-o-cang-ca-phan-thiet-anh-n.-lan-7-.jpg
Hy vọng vào chính vụ cá nam, ngư dân sẽ bội thu. Ảnh: N.Lân

Vừa đánh bắt vừa chống khai thác IUU

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Ngư trường xuất hiện các đàn cá cơm xung quanh khu vực đảo Phú Quý, biển ven bờ Mũi Né (Bình Thuận); khu vực từ biển Ninh Thuận đến Nha Trang (Khánh Hòa) xuất hiện các đàn cá nục. Tình hình thời tiết ngư trường trong tháng 5 tương đối ổn định, đã xuất hiện nhiều loài hải sản nên đa số tàu thuyền hoạt động khai thác gặp nhiều thuận lợi, sản lượng khai thác của các nghề như câu mực, lưới rê đạt hiệu quả cao. Sản lượng trong tháng hơn 19.000 tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng năm 2024 đạt hơn 87.000 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

ca-ve-cang-phan-thiet-anh-n.-lan-2-.jpg
Đa số tàu thuyền hoạt động khai thác gặp nhiều thuận lợi. Ảnh: N.Lân

Để các chuyến biển ngày càng khai thác hiệu quả, ngành thủy sản trong tỉnh đã khuyến khích các chủ tàu khai thác xa bờ lắp đặt hệ thống bảo quản sản phẩm hải sản sau thu hoạch bằng bột xốp Polyuethane (PU), lót hầm tàu cá bằng inox để giảm hao tổn, bán hải sản được giá. Không chỉ vậy, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai và được nhiều chủ tàu trong tỉnh mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học như máy tời thủy lực, đèn led, trang bị máy dò ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc tầm xa để nâng cao năng lực đánh bắt hải sản. Ngoài ra, ngành thủy sản còn khuyến cáo ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, mô hình tàu mẹ - tàu con để tương trợ nhau khai thác hải sản tốt hơn và thực hiện hậu cần nghề cá, giảm chi phí, tăng hiệu quả lao động.

z4341102434532_529090e263dfdbca9049279735b99f0a.jpg
Vừa khai thác hải sản vừa tuân thủ các biện pháp chống khai thác IUU.

Đặc biệt, bên cạnh khuyến khích ngư dân vươn khơi khai thác vụ cá nam, Bình Thuận cũng đang dồn sức triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý khai thác thủy sản, tập trung thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Được biết, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có chuyến kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh về công tác chống khai thác IUU. Được đánh giá là tỉnh đã có nhiều nỗ lực thực hiện các khuyết điểm theo khuyến nghị của EC, nhưng Bình Thuận còn nhiều việc phải làm, nhất là công tác giám sát đội tàu đánh bắt xa bờ, tình trạng mất kết nối VMS trên biển khi vào mùa cá nam – thời điểm các tàu cá dễ vi phạm vùng biển nước ngoài.

z5449610474229_cf98fe3ad90aaf72342b63997749351b.jpg
Bình Thuận đang nỗ lực cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" EC.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Chỉ còn 3 tháng để các địa phương hoàn thiện các nội dung theo khuyến nghị của EC. Do đó từ nay đến tháng 9 là thời điểm cả hệ thống chính trị tập trung vào cuộc, phải đồng lòng thực hiện công tác chống khai thác IUU vì lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc, bởi lần kiểm tra thứ 5 tới đây của EC là cơ hội cuối cùng để Việt Nam gỡ được “thẻ vàng”.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngư dân hy vọng vụ cá nam thuận lợi
Từ giữa tháng 6 đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều ngư dân trong tỉnh đã tranh thủ vươn khơi đánh bắt vụ cá nam. Đây là vụ khai thác thủy sản chính trong năm với sản lượng lớn, cũng là thời điểm để ngư dân cải thiện thu nhập sau 1 năm gặp khó khăn vì dịch Covid – 19 và giá dầu tăng cao chưa từng thấy.
Nổi bật
13 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2024
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện toàn diện, hiệu quả các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 theo Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 04/12/2023 của Tỉnh ủy (khóa XIV)… đó là yêu cầu chung của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các cấp, các ngành, các địa phương trong 3 tháng cuối năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân Bình Thuận bắt đầu vào vụ cá nam