Ghi nhận tại cây xăng số 8 thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Bình Thuận (đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết), chiều nay người dân đến đổ xăng, nhưng nhân viên cây xăng thông báo đã hết xăng Ron 95 và chỉ đổ xăng E5 Ron 92 cho khách. Khoảng 20 giờ tối cùng ngày, người dân tập trung ở cây xăng này khá đông để đổ xăng, nhưng nhân viên chỉ đổ cầm chừng, người đổ được người không.
Không riêng gì cây xăng này, mà các cây xăng khác trên địa bàn TP. Phan Thiết cũng rơi vào tình trạng đông đúc, người muốn đổ phải đợi từ 30 phút mới tới lượt. Ngoài ra, theo thông tin nhận được, người dân ở xã Thuận Quý, Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) cũng đang chạy khắp nơi tìm xăng vì một số cây xăng ở địa phương chỉ bán nhỏ giọt, cầm chừng vì lượng hàng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Một nhân viên cây xăng cho biết, từ chiều đến giờ, lượng xe đến đổ xăng tăng đột biến, do có thông tin ngày mai (11/10), xăng có thể tăng từ 200 - 400 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.500 - 1.900 đồng/lít, nên người dân ồ ạt đi đổ, gây nên tình trạng quá tải. Vài cây xăng do lượng hàng nhập về kho không kịp mà dân tập trung quá đông nên buộc phải đổ cầm chừng.
Hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Nam, xuất hiện trường hợp nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động với nhiều lý do, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị các đơn vị tập trung giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn, đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động thì tiến hành kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện.
Đặc biệt, phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định…
Sau 4 lần giảm liên tiếp, giá xăng dầu trong nước được dự báo tăng vào kỳ điều hành ngày mai (11/10). Theo đó, dự báo xăng sẽ tăng ở mức từ 200 - 300 đồng/lít, tùy loại; các mặt hàng dầu có thể sẽ tăng mạnh hơn, ở mức từ 1.800 - 2.000 đồng/lít. Thời gian qua, thị trường xăng dầu trong nước gặp bất ổn về nguồn cung, đặc biệt tại TP. HCM và một số tỉnh, thành khu vực phía Nam, trong đó có Bình Thuận. Nhiều cây xăng phải tạm ngừng hoạt động do không nhập được hàng, một số cây xăng khác phải hoạt động cầm chừng do gián đoạn nguồn cung. Vào tháng 8/2022 vừa qua, một số địa phương trong tỉnh Bình Thuận cũng bị thiếu hụt dầu vào cao điểm mùa cá nam, khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn khẳng định đảm bảo nguồn cung, thiếu xăng dầu chỉ là cục bộ ở một số thời điểm.