Theo dõi trên

Người giữ hồn bản sắc văn hóa Chăm

05/01/2022, 06:20

BT- Với mong muốn gìn giữ các giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc, nhiều năm qua, nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng dân tộc Chăm, sinh sống tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình luôn nỗ lực “truyền lửa” đam mê cho những người trẻ thông qua việc sáng tạo, giữ gìn những nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

sa.jpg

Đôi tay tài hoa

Trong căn nhà tại thôn Châu Hanh, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, với đa dạng các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng đang say sưa chế tác, cảm nhận từng âm sắc trong veo của các nhạc cụ trống, đàn, kèn.

Trên tay ông đang cầm cây đàn Rabap - loại đàn mà ông yêu thích và say mê nhất. Vừa chơi đàn ông vừa kể, ngay từ khi còn nhỏ, ông được làm quen với các nhạc cụ truyền thống của người Chăm tại Bình Thuận. Rồi chẳng biết từ bao giờ, tình yêu với nhạc cụ dân tộc, với âm nhạc cứ lớn dần lên trong ông theo thời gian.

Hàng ngày, ngoài công việc chính là làm ruộng, rẫy, ông còn dành thời gian cho việc chế tác nhạc cụ, lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào mình. Không chỉ bảo tồn trống Paranưng, kèn Saranai, ông còn mày mò chế tác và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống như đàn Rabap, Kanhi biểu diễn rất thành thạo. Nhờ năng khiếu âm nhạc cùng đôi bàn tay khéo léo, nên nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng đã tự mày mò, sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Mỗi loại nhạc cụ lại mang một màu sắc riêng, đậm dấu ấn của người nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân Thổ Đồng cho biết, đàn Rabap là loại đàn được làm từ các vật liệu đơn giản như thanh tre, gỗ, dây cước… song đòi hỏi khả năng kết hợp khéo léo của người chế tác. Đàn Rabap không dễ chơi, vì phải sử dụng 2 tay như đàn cò.

“Với trống Paranưng, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Để làm được trống Paranưng, người làm phải biết cảm âm và khéo tay, tương tự như một người biết chỉnh cồng chiêng. Thời gian để hoàn thành bộ trống Paranưng là hơn 3 tháng”, ông Thổ Đồng nói.

“Truyền lửa” đam mê

Trước thực tế, các nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang ngày càng bị mai một, trong khi những người biết chế tác và sử dụng các nhạc cụ này thì còn lại rất ít. Với mong muốn gìn giữ và lan tỏa niềm say mê, sáng tạo văn hóa dân gian đến thế hệ trẻ, thời gian qua, ông đã truyền đạt kỹ năng thể hiện trống, đàn, kèn cho thế hệ trẻ trong làng, cũng như các diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh. Bên cạnh đó, ông đã thường xuyên làm những nhạc cụ như trống Paranưng, đàn Rabap, Kanhi cho các tỉnh Tuyên Quang, Hà Nội… khi có yêu cầu.

Người làng rất yêu mến và ủng hộ nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng. Nhờ có ngọn lửa đam mê với âm nhạc truyền thống trong ông luôn bùng cháy mà những âm thanh của trống Paranưng, đàn Rabap, Kanhi, kèn Saranai… vẫn vang mãi và được lưu giữ trên vùng đất đầy nắng và gió Bình Thuận.

KHÁNH VĨNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàm Tân: Một năm vượt khó
BT- Trước bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của huyện Hàm Tân trong năm 2021 cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi đó tại địa phương, Phòng Văn hóa và Thông tin là cơ quan phụ trách quản lý nhà nước ở rất nhiều ngành, lĩnh vực nhưng nhân sự chỉ có 4 người (gồm 1 trưởng phòng, 1 phó phòng, 2 chuyên viên). Do đó, đơn vị này xác định, phải luôn đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt tất cả nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, phong trào văn hóa, th
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người giữ hồn bản sắc văn hóa Chăm