Là Sư cả chức sắc Bàlamôn, vừa là người có uy tín nên ông Duyên am hiểu khá rõ về tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào mình. Theo ông Duyên “tiếng nói, chữ viết của mỗi dân tộc luôn giữ vai trò rất quan trọng trong việc làm phong phú thêm nền văn hóa của mỗi quốc gia". Tiếng Chăm là môn học chính được Nhà nước chủ trương đưa vào dạy cho con em đồng bào Chăm ở các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Do đó, những năm qua, tại xã Phong Phú nói chung, thôn Tuy Tịnh 2 nói riêng luôn chú trọng việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào Chăm. Bản thân tôi luôn vận động bà con giữ gìn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết và các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Chăm, nhất là các thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tôi đã phối hợp với các vị chức sắc ở địa phương khác cập nhật, bổ sung, nâng cao kiến thức về chữ Chăm, về các nghi lễ trong phong tục tập quán, tín ngưỡng của chức sắc tôn giáo để truyền đạt cho thế hệ sau, nhằm ngày càng cải tiến hơn trong phong tục ma chay của đồng bào, các lễ nghi dần văn minh hơn, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Qua đó, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Chăm, góp phần đa dạng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Mặt khác, ông Duyên cũng có vai trò khá quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động cộng đồng thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương thông qua việc làm và uy tín của mình. Ông Duyên cho biết thêm: “Khi gia đình nào có xung đột, mâu thuẫn hay xóm làng có gây nhau, tranh chấp, tôi đều đứng ra khuyên răn, hòa giải. Nhờ uy tín của mình nên mọi người kính nể, nhường nhịn, nhờ vậy xóm làng vui vẻ, gia đình hòa thuận, ít xảy ra các vụ bạo lực hay gây mất an ninh trật tự địa phương”.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, bản thân ông Duyên luôn gương mẫu chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời tranh thủ các chức sắc, những người có uy tín cùng nhau vận động, tuyên truyền cho bà con nắm rõ chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngoài các hoạt động tuyên truyền, bằng uy tín của mình, ông Duyên luôn gần gũi, trao đổi bà con lối xóm, các chức sắc, những người có uy tín trong cộng đồng về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Chăm như: Giữ gìn sự đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, nêu cao ý thức tích cực lao động sản xuất, thực hiện xóa đói giảm nghèo; động viên con em đến trường và không được bỏ học; thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình; phòng chống dịch bệnh; bảo vệ môi trường… Đặc biệt, luôn nhắc nhở đồng bào nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh trước mọi âm mưu chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, kiên quyết không nghe, không tin, không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây rối sự bình yên của xóm làng.
Không chỉ vậy, nhờ sự động viên của ông Duyên và các chức sắc khác, hiện nay bà con dân tộc Chăm đã chịu khó học hỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá, giàu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, bộ mặt nông thôn miền núi vùng dân tộc thiểu số được đầu tư khang trang hơn. 100% số hộ đồng bào trên địa bàn xã được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 95% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh…
Có thể thấy, làng Chăm Phong Phú nay đã khác xưa, ở địa phương đã có nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, trình độ dân trí của đồng bào ngày càng được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chăm luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được đẩy mạnh... Kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc và ông Duyên là một trong số đó. Ông Duyên tâm tư: “Với vai trò, trách nhiệm là người đi trước, tôi cũng mong muốn thế hệ sau này cùng nhau tiếp tục lưu giữ những giá trị văn hóa của người Chăm, để lưu truyền lại cho đời sau biết được phong tục, tập quán, những giá trị đặc sắc của cộng đồng người Chăm”.