Tại các địa phương có kinh tế phát triển như: TP. Phan Thiết, thị xã La Gi hay huyện Tuy Phong có rất nhiều khu dân cư lâu đời. Do hình thành từ lâu nên phần lớn các khu dân cư này đều có lối đi rất nhỏ và sâu. Cùng với đó là các công trình nhà ở tại các khu vực này đã xây dựng lâu năm đã xuống cấp, nhất là hệ thống điện, dẫn tới mất an toàn về phòng cháy chữa cháy. Tại các địa phương như: phường Đức Thắng, Đức Nghĩa, Đức Long (TP. Phan Thiết) hay Phước Lộc, Phước Hội (thị xã La Gi) và thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa (Tuy Phong) có rất nhiều khu dân cư đông đúc. Ở các địa phương này, có rất nhiều các khu dân cư ven biển được người dân dựng lên một cách tạm bợ, san sát nhau. Người dân ở đây vẫn duy trì thói quen cũ trong sinh hoạt, đấu nối điện từ nhà này sang nhà khác để dùng chung hoặc đốt cỏ, rác... Ngoài ra, các khu dân cư hiện còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ với đặc thù hàng hóa nhiều, diện tích nhỏ, thường xuyên tập trung đông người, chủ cơ sở chưa chấp hành tốt quy định phòng cháy cũng khiến nguy cơ cháy tăng cao. Bên cạnh đó, qua quá trình nắm địa bàn, công an các địa phương nhận thấy, hệ thống điện của nhiều gia đình, cơ sở đã cũ, lượng thiết bị dùng điện ngày càng nhiều nhưng không nâng cấp các dây dẫn. Một số gia đình để chống trộm còn làm các khung kim loại rào kín cửa sổ, ban công khiến việc thoát hiểm của người dân gặp khó khăn và tiếp cận đám cháy của lực lượng chữa cháy mất nhiều thời gian hơn bình thường.
Tại hội nghị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới diễn ra vừa qua do UBND TP. Phan Thiết tổ chức, Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn TP. Phan Thiết nói riêng và toàn tỉnh nói chung. TP. Phan Thiết có đặc thù khác với những địa phương khác là nhiều khu dân cư đông đúc nhưng bề rộng của hẻm nhỏ, xe chữa cháy chuyên dụng hiện nay không thể tiếp cận khi có cháy nổ xảy ra. Vì vậy, TP. Phan Thiết cần xem xét cân đối ngân sách để mua các xe chữa cháy mini chuyên dụng để kịp thời ứng phó khi có cháy nổ xảy ra ở những hẻm nhỏ. Phát biểu tại hội nghị này, Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân đã chỉ đạo giao Công an TP. Phan Thiết rà soát các điểm công cộng, đường hẻm cần trang bị xe mini chữa cháy. Đặc biệt với các phường Mũi Né, xã Tiến Thành ở xa trung tâm thành phố khi có sự cố cháy nổ xảy ra xe chuyên dụng mất rất nhiều thời gian để di chuyển tới đám cháy. Vì vậy, Công an thành phố cần phối hợp với Công an tỉnh để tiến hành khảo sát, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy tham mưu cho UBND TP. Phan Thiết để bố trí kinh phí bổ sung. Mục tiêu là bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư.
Cùng với việc triển khai các biện pháp mới, hiện nay, các địa phương trong địa bàn toàn tỉnh đang củng cố, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy. Mô hình Tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy được triển khai theo phương châm 4 tại chỗ là: “Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân”. Khi tham gia mô hình các hộ dân đã được tập huấn về cách sử dụng các thiết bị phòng cháy chữa cháy, những việc cần làm khi có cháy xảy ra. Khu vực này cũng được trang bị kẻng báo động. Khi cháy xảy ra, người dân sẽ đánh kẻng báo động cho các hộ dân khác cùng biết để tham gia chữa cháy. Cùng với đó, mỗi hộ dân tham gia được trang bị một bình chữa cháy cầm tay. Vị trí đặt các bình chữa cháy này cũng nằm ở nơi gần hàng rào, ban công để khi xảy ra cháy các thành viên khác thuận tiện lấy để phục vụ công tác chữa cháy.
Để đảm bảo an toàn PCCC đối với khu dân cư, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chủ hộ gia đình, chủ hộ sản xuất kinh doanh chủ động kỹ năng cơ bản về PCCC. Nhắc nhở thành viên trong gia đình sắp xếp vật dụng hàng hóa vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng cách xa nguồn lửa nguồn nhiệt. Việc đun nấu, thờ cúng, đốt vàng mã, hàn cắt kim loại phải có người trông coi.