Theo dõi trên

Nhà dưới chân núi

14/07/2023, 05:56

Chạy hết con đường nhựa ngoằn ngoèo sẽ đến một cây cầu sắt tí xíu bắc qua mương cái, đi thêm đoạn đường đất mà mỗi khi mưa xuống sình lún bánh xe, bắn tung tóe áo quần sẽ đến căn nhà khang trang của vợ chồng chú Ba.

Nhà dưới chân núi, đứng ngoài sân thấy rõ núi mồn một. Chú Ba là chú chồng tôi. Hai vợ chồng già, răng đã rụng hết, cái miệng móm mém, tiếng nói đơn đớt khá khó nghe. Chú thím rất quý chồng tôi, thường hay gọi điện rủ lên chơi. Riêng tôi, dù quý chú thím nhưng e ngại con đường vừa xa vừa khó đi nên thi thoảng mới theo chồng đến chơi, vào những dịp giỗ quẩy.

5441-1666690731.jpg

Mỗi lần ghé chơi, thím hay làm mấy món đồng quê để đãi khách. Nào là bún riêu cua, cháo vịt, bồ câu ram… Thím nấu ăn rất ngon, cách chế biến cũng khác xa hàng quán. Như món cháo vịt, thím sẽ luộc thịt, bằm nhuyễn và tao hành tiêu cho thơm để riêng. Múc chén cháo nóng, thêm ít thịt đã tao rồi, trộn đều lên, mùi thơm hấp dẫn, vị lạ miệng.

Chính vì lý do này mà mỗi lần lên chơi tôi hay lân la chuyện trò cùng thím, chủ yếu là hỏi cách chế biến món ăn. Tánh thím hay nói, hết kể chuyện món ăn lại kể đến chuyện ngày xưa thời con gái đi thanh niên xung phong. Những chuyện chiến tranh thím kể vừa hào hùng vừa ám ảnh. Thím vạch cho tôi xem những vết sẹo dài phía sau lưng, dấu vết còn lại của hồi ngồi chuồng cọp ngoài Côn Đảo. Tuổi già, da bọc xương càng làm cho mấy vết sẹo trồi lên, chằng chịt nhìn rất ám ảnh.

“Hồi đó khu này toàn rừng là rừng, sau giải phóng dân mới lên khai hoang, lập ấp. Cứ mang gạo, mắm muối theo rồi lên ở trên chòi dăm bữa nửa tháng, đốn cây, phát hoang. Chu choa, muỗi nhiều vô kể, sập tối là phải trèo vô mùng không muỗi khiêng đi luôn. Nhà ai có xe bò thì ngon, đốn cây rồi chở gỗ về bán. Chú thím nuôi mấy đứa em tụi bây lớn nhờ bán gỗ. Gỗ hồi đó rẻ rề à”.

Rồi ánh mắt thím nhìn cái nắng gay gắt ngoài sân, nơi mấy dây bầu bò mình lên giàn, thả trái hình hồ lô be bé xuống, thở dài.

“Giờ là sướng nhiều dữ lắm rồi đó. Hồi chú thím còn trẻ, cha, cực lắm con ơi. Chiến tranh mà. Miệt dưới đó là làng, địch nó quản. Du kích trốn trên rừng. Đói dữ lắm con. Phải canh tối về làng tải gạo lên. Mà đường sá đâu phải dễ đi như bây giờ, đường bờ mương không à, mưa xuống là trơn trượt, địch nó lại gài mìn quanh đường hết, hễ giờ giới nghiêm ai lớ xớ ra đường giẫm mìn chết ráng chịu. Đói quá thì phải làm liều, chẳng biết sợ gì nữa. Cứ vác bao gạo nối theo nhau lần đường mà đi. Bộ đội mình hồi đó tội lắm, có gì đâu mà ăn. Ai cũng ốm tong teo nhìn vô thấy hai con mắt không hà. Đói quá thì đào củ chuối ăn, rồi thì hái rau rừng, bắt ếch òng. Thích nhất cái mùa mưa mới rớt, ếch òng thiếu gì. Nhờ vậy mới có cái ăn vài bữa. Mình ở đây, nhà mình dưới xóm, cách nhau có bao xa đâu mà hổng dám về con ơi, thám báo nó mà lần ra được nó vây bắt là coi như xong luôn”.

Rồi thím cười giòn tan: nhờ vậy mà tới thời bình, đi khẩn hoang hai vợ chồng cực mấy cũng chịu được. Ròng rã mấy năm trời mới được hơn mẫu đất chớ bộ. Hên hồi đó chịu đi kinh tế mới giờ mới có đất chia cho con chứ giờ tiền đâu mà mua. Tôi đùa: chuồng cọp còn hổng sợ sợ gì mấy con muỗi thím ha. Thím chợt sa buồn kể tiếp…

“Hồi ở Côn Đảo cực lắm con. Trong tù mà đâu có gì làm. Mấy chị em xé áo ra, gỡ chỉ rồi thêu. Đó, cái áo gối chú mày nằm đó là hồi đó thím thêu trong tù, để dành mốt cưới chồng làm đôi gối cưới. Tụi nó tra tấn dã man lắm, chết đi sống lại mấy lần. Chết nhiều lắm con ơi. Giờ con đi ra Côn Đảo đó tham quan mấy nhà tù thì biết hồi đó khổ cỡ nào”.

Chồng tôi thấy mắt thím sa nước thì nháy nhỏ tôi lảng qua chuyện khác:

- Khổ cực qua hết rồi thím ơi, giờ mình cứ tận hưởng tuổi già đi. Mà sao hồi đó chú thím gặp được nhau cũng hay đó chớ.

- Giải phóng rồi tao mới gặp bả. Làm chung bên chính quyền rồi gặp. Hồi đó bả ba mấy, tao hơn bốn chục rồi.

Chú Ba vừa kể vừa khề khà ly rượu. Chồng tôi giục tôi xuống bếp lấy thêm mồi để tránh hai thím cháu sa vào chuyện buồn trong quá khứ. Thím giành đi lấy mồi không cho tôi đi. Nhìn cái dáng khòm khòm, gầy guộc của thím thấy sao thương quá đỗi. Thế hệ của chú thím đã đổ máu xuống mảnh đất này để ngày hôm nay lớp trẻ chúng tôi có cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.

Đi qua cuộc chiến, đi qua cửa sinh tử, chú thím giờ vẫn lạc quan yêu đời lắm, vẫn làm rẫy, trồng bí, trồng bầu đem chợ bán. Chồng tôi hay bảo nhìn gương chú thím mà học hỏi, gian khổ không ngại, khó khăn không bỏ cuộc, cứ tin vào cuộc sống, cứ lao động hết mình thì sẽ gặt được quả ngọt. Tôi cũng tin là thế.

TRÚC VY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sân chơi dành cho người lao động trở lại
Đây là sân chơi phối hợp giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Liên đoàn Lao động tỉnh để tạo nên một sân chơi văn hóa nghệ thuật, sau những ngày miệt mài làm việc và lao động sản xuất.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà dưới chân núi