Vùng đất lịch sử
Vùng đất Bình Thạnh được lịch sử ghi lại từng che chở cho một số võ tướng, nghĩa quân Tây Sơn sau khi lâm nạn và nuôi dưỡng rất nhiều cán bộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đặc biệt, thời gian tháng 6/1946 địch đánh phá ác liệt và cho quân lùng sục thường xuyên, vì thế đoàn công tác và đồng chí Lê Duẩn (từ năm 1960 đến năm 1986, ông là Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) chưa thể vào chiến khu Ô Rô để từ đó đi tiếp vào Nam. Việt Minh và Ủy ban xã Bình Thạnh giao cho gia đình bà Phạm Thị Nhường và chồng bà là ông Huỳnh Tiếng trực tiếp nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn, tuyệt mật. Đây cũng là cơ sở mật của Khu 6. Trong những ngày lưu lại đây, trong thời gian khoảng gần 1 tháng, đồng chí đã trực tiếp bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho cán bộ địa phương; định hướng giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong chỉ đạo kháng chiến của huyện Tuy Phong và tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ.
Để tưởng nhớ quãng thời gian Tổng Bí thư Lê Duẩn đến công tác, chỉ đạo kháng chiến tại Bình Thạnh, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phong đã xây dựng Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tại xã Bình Thạnh vào tháng 10/2009 và đưa vào sử dụng, phát huy giá trị từ tháng 6/2011 đến nay.
Ông Dương Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tọa lạc ngay trung tâm của xã Bình Thạnh, khá thuận lợi trong việc kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng của huyện Tuy Phong, tạo nên một chuỗi liên hoàn trong quần thể du lịch tâm linh tín ngưỡng, khám phá, nghỉ dưỡng trong tuyến du lịch dọc theo bờ biển phía Đông Bắc tỉnh Bình Thuận và mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, có giá trị giáo dục thế hệ mai sau. Trong nhiều năm qua việc gìn giữ và phát huy giá trị Nhà tưởng niệm đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phong nói chung và xã Bình Thạnh nói riêng thực hiện khá tốt. Đáng chú ý là việc đầu tư, xây dựng, huy động các nguồn lực trong xã hội để bảo vệ, phát huy giá trị di tích, thể hiện tấm lòng tri ân của nhân dân đối với những người không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để chúng ta có cuộc sống thanh bình và ấm no hôm nay.
Điểm truyền dạy lịch sử, văn hóa và du lịch
Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) và trước thềm năm mới Giáp Thìn năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phong đã đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, do UBND tỉnh xếp hạng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích có hiệu quả về lâu dài. Qua đó, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Ông Dương Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: Sau lễ công nhận, huyện Tuy Phong khẩn trương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị của di tích. Theo đó, huyện sẽ tập trung một số nhiệm vụ như tăng cường tuyên truyền quảng bá, khôi phục các lễ hội mang đậm chất văn hóa dân gian để thu hút bà con nhân dân tham quan viếng cảnh. Thường xuyên kiểm tra chống xâm hại, xâm phạm di tích, bảo vệ an toàn hiện vật hiện có. Tiếp tục vận động các nguồn lực về vật chất và tinh thần trong việc bảo vệ, tôn tạo di tích và lễ hội theo hướng xã hội hóa để Di tích lịch sử - văn hóa Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn giữ nguyên được giá trị lịch sử vốn có.
Ngoài ra, sẽ thành lập Ban Quản lý di tích để thực hiện sưu tầm, sao chụp lại các tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình hoạt động của đồng chí Lê Duẩn đang lưu giữ tại nhà ông Huỳnh Nghi (cháu nội ông Huỳnh Tiếng, bà Phạm Thị Nhường) và đang trưng bày tại các bảo tàng, nhà truyền thống một số tỉnh, thành phố trong nước để phục vụ cho việc trưng bày tại Khu tưởng niệm. Song song, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát động các cơ quan, đơn vị, mặt trận, đoàn thể và trường học trên địa bàn hàng năm tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các em học sinh về Nhà tưởng niệm dâng hương, hoa tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn để làm phong phú, sinh động thêm bài học trên lớp và giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong khẳng định: “Thời gian tới các cấp, ngành chức năng của huyện Tuy Phong sẽ xây dựng, kết nối Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn với các di tích, danh thắng nổi tiếng trên địa bàn huyện như đình làng Bình An, chùa Cổ Thạch, lăng Ông Nam Hải, bãi đá Bảy Màu, thắng cảnh Hòn Cau... để hình thành nên các tour, tuyến du lịch, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tâm linh của du khách, góp phần phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.
Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, nâng tổng số di tích của địa phương lên 6 di tích (2 di tích cấp quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh) và là một trong những địa phương có nhiều di tích nhất trên địa bàn huyện.