Theo dõi trên

Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hồ thủy lợi mùa mưa bão

19/09/2024, 05:05

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị đơn vị chuyên môn cảnh báo các vị trí, khu vực thường xuyên bị ngập lụt khi xả lũ để người dân biết chủ động phòng, tránh; chuẩn bị nhân lực, vật tư, kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương nơi có công trình triển khai các biện pháp ứng phó nếu có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du.

1. Cơn bão số 3 đi qua để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, mất mát, đau thương vẫn chưa khắc phục được ở một số tỉnh miền Bắc. Trong đó, liên quan đến sự cố phần đập đất vai trái của công trình thủy lợi Hà Thanh ở Quảng Ninh bị vỡ khoảng 50m, nước từ công trình đã ảnh hưởng đến khoảng 400 hộ dân. Ngoài ra, mưa lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các công trình thủy lợi của tỉnh Tuyên Quang, như đoạn đê sông Lô bị vỡ chiều dài khoảng 10 m, có 372m kênh bị hư hỏng; kè hạ lưu hồ chứa thủy điện Tuyên Quang bị sạt lở hư hỏng… Đây là con số nhỏ trong vô số những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.

z4759591576342_670f73aea5d802fe36f85389bfc1120d.jpg
Điều tiết nước mùa mưa để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.

Đáng chú ý, khi cơn siêu bão này vừa đi qua thì đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ngoài biển Đông và mạnh lên thành bão, mà Bình Thuận là một trong các tỉnh ven biển có khả năng chịu ảnh hưởng. Chính vì vậy, để ứng phó với tình hình mưa, bão, lũ, ATNĐ theo như dự báo có tần suất và cường độ gia tăng, thì việc bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa thủy lợi đang khai thác trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong mùa mưa lũ năm 2024. Toàn tỉnh hiện có 40 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng, dung tích toàn bộ 441,33 triệu m3, tổng năng lực thiết kế 60.367 ha. Trong đó có 18 hồ chứa nước lớn, 10 hồ chứa nước vừa và 12 hồ chứa nước nhỏ.

Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, những năm qua việc quản lý, khai thác hồ chứa thủy lợi bảo đảm an toàn, không để xảy ra sự cố vỡ đập. Tuy vậy, thực tế hiện nay diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, nên nguy cơ xảy ra thiên tai, trong đó có sự cố đối với các hồ chứa thủy lợi không thể lường trước.

Cùng với dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Trung bộ, mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến cuối năm, từ tháng 9 - 11/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 10 - 30% so với trung bình nhiều năm và có thể hứng chịu bão, lũ liên tiếp do La Nina xuất hiện. La Nina có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão, ATNĐ, cảnh báo từ nay đến hết năm 2024, trên Biển Đông xuất hiện từ 8 - 10 cơn bão, ATNĐ, trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

ba-bau-.jpg
Hồ chứa nước Ba Bàu.

2. Theo ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận, nhiệm vụ quan trọng được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai trong mùa mưa bão 2024 là theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão, ATNĐ, lượng dòng chảy đến các hồ thủy lợi. Cùng với đó, tích nước tối đa tại hồ khi kết thúc mùa mưa, dự trữ sử dụng trong các tháng mùa khô tới.

z4759595634274_fd5b1b068940465659965dbf3200138e.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải (thứ 3 từ phải qua) cùng đoàn trong một dịp kiểm tra tại các công trình thủy lợi.

Để chủ động ứng phó nguy cơ, diễn biến khó lường của mưa lũ, hiện nay Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã và đang tiến hành bảo dưỡng, vận hành thử cửa van, thiết bị cơ khí tại tràn xả lũ, tràn xả sâu, cống xả cát, cống lấy nước trong các hồ thủy lợi, đập dâng, bảo đảm vận hành bình thường trong mọi điều kiện thời tiết. Phục hồi hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm duy trì thông suốt trong mùa mưa, lũ… Song song, rà soát lại danh mục công trình thủy lợi đề xuất thực hiện bảo trì năm 2025 bảo đảm tuân thủ quy định, trong đó ưu tiên đầu tư bảo trì các công trình có mức độ hư hỏng nghiêm trọng theo kiến nghị của các địa phương.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong số các nhiệm vụ quan trọng để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn mùa mưa lũ, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị Ban QLDA ĐTXD các công trình nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án bảo vệ các dự án thủy lợi, kè sông, kè biển đang thi công trong mùa mưa, lũ năm 2024. Ngoài ra chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng tại công trình để kịp thời ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra; tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ. Đồng thời, tiếp tục thử tải các tuyến kênh Suối Măng – Cây Cà, kênh chuyển nước hồ Sông Dinh 3 – hồ Núi Đất (giai đoạn 1) để khắc phục các tồn tại, nếu có trong thời gian bảo hành công trình. Bảo đảm yêu cầu chuyển nước từ những khu vực dư thừa sang các vùng, khu vực thường xuyên bị thiếu nước trong các tháng mùa khô. Mặt khác, phối hợp với UBND huyện Tánh Linh, Đức Linh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi rà soát, giải quyết các tồn tại liên quan đến hệ thống thủy lợi Tà Pao theo kiến nghị của các địa phương.

K. HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo đảm tài sản và tính mạng người dân trong mùa mưa bão
Những ngày qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, cát, ngập lụt cục bộ, lốc xoáy, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và giao thông của người dân.
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh dự Ngày hội Đại đoàn kết ở Hàm Thạnh
Chiều 16/11, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết liên khu dân cư ở xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Dự ngày hội còn có ông Nguyễn Văn Trí – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại diện Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam, xã Hàm Thạnh và đông đảo bà con trên địa bàn xã.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hồ thủy lợi mùa mưa bão