Nếu không có sự giới thiệu, dẫn đường của một kỹ sư nông nghiệp lâu năm, có lẽ chúng tôi vẫn chưa có dịp đến thăm trang trại Bùi Gia Trang ở xã Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc. Dù cách quốc lộ không quá xa, nhưng nơi đây lọt thỏm giữa một thung lũng bao quanh là vùng núi đá, đất đai khá cằn cỗi. Ngạc nhiên hơn, trước mắt chúng tôi là bạt ngàn cây nho được trồng theo hướng hữu cơ trong nhà lưới. Thời điểm tôi có mặt ở đây, nho đang vào giai đoạn thu hoạch, quả sum suê, được bảo vệ bởi một lớp nilon. Theo chia sẻ của ông Bùi Đình Anh - chủ trang trại, để có được thành quả hôm nay, ông đã chi gần 10 tỷ đồng phí đầu tư, canh tác 5 ha nho hữu cơ trong nhà lưới. Đáng nói, ở vùng đất khô cằn xã Hồng Liêm, để có nguồn nước tưới cho cây nho, ông đã đầu tư đào hơn 40 giếng ngầm, nhưng do va phải đá nên chỉ 12 chiếc ở độ sâu từ 100 - 120 m mới có nước.
Thay vì cách trồng truyền thống, tại trang trại này đã áp dụng mô hình giàn nho chữ Y có mái che, lưới không gian thông thoáng, kết hợp mái che mưa, lưới bao xung quanh cản côn trùng… Nhờ đó tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời có thể khắc phục các rủi ro về tác động của thời tiết đến cây trồng. Theo giới thiệu của chủ trang trại, diện tích trồng nho hữu cơ hiện có 4,5 ha loại nho hồng nhật. Ngoài ra, có 4 sào nho mẫu đơn, 1 sào nho xanh và đỏ được ông Bùi Đình Anh canh tác trên vùng đất đá sỏi của thôn Liêm An vào năm 2021. Trong số 4 loại nho trên, loại nho hồng nhật sản xuất trên vùng đất này thành công vượt trội. Ở tháng thứ 11 sau trồng, 1 ha nho hồng nhật trồng đợt đầu đã cho thu hoạch bói với năng suất gần 20 tấn, trái to, giòn, ngọt, màu đỏ đẹp. Sản phẩm sau thu hoạch được doanh nghiệp ngoài tỉnh hợp đồng bao tiêu với giá 105.000 đồng/kg.
Chia sẻ về mô hình trồng nho của gia đình, ông Bùi Đình Anh - chủ trang trại nho hữu cơ tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Giống nho hồng nhật cho thu hoạch 2 vụ mỗi năm, vụ chính năng suất đạt 30 - 40 tấn và vụ nghịch dao động từ 10 - 20 tấn tùy vào thời tiết cũng như kỹ thuật chăm sóc. Bên cạnh cây nho hồng nhật, ông Anh đang có kế hoạch phát triển nho mẫu đơn. Lý do, giống nho này trồng chỉ 4 tháng thu trái bói, 1 năm thu hoạch 3 vụ. Đồng thời, có khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Hiện nay, với đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, ông Anh đã đăng ký với ngành chức năng canh tác trang trại nho theo hướng hữu cơ nhằm phát triển bền vững.
Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Kim Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Liêm, cho biết: Hiện tại trên địa bàn chủ yếu trồng cây thanh long, nhưng hiệu quả chưa cao. Do đó, địa phương luôn tạo điều kiện để các cá nhân phát triển, nhân rộng các mô hình cây trồng mới hiệu quả trên địa bàn, trong đó có nho hồng nhật đang phát triển tốt tại vùng đất cằn của huyện Hàm Thuận Bắc.
“Quả ngọt” đạt được hôm nay với bạt ngàn cây nho trĩu quả là kết tinh của lòng tâm huyết và trí tuệ. Chủ trang trại đến từ TP. Hồ Chí Minh là một trong số ít người tiên phong thực hiện thành công trang trại nho xanh tươi, trĩu quả trên vùng đất cằn của huyện Hàm Thuận Bắc theo hướng sản xuất hữu cơ, hiện đại bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Sau Tết Nguyên đán 2023, khi lứa nho hồng nhật chín mọng đã được thu hoạch, bán ra thị trường, hiện tại vườn nho hữu cơ này đang bước vào giai đoạn dưỡng cây, cắt cành… để chuẩn bị cho một mùa kết quả, với kỳ vọng bội thu sắp tới.