Thiệt hại tiền tỷ
Chúng tôi gặp 5 ngư dân, 4 người ở thị xã La Gi và 1 người ở huyện Hàm Tân trong một buổi chiều muộn đầu tháng 6. Họ vừa hoàn thành việc gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Kiểm ngư Bình Thuận. “Bỏ công, bỏ việc, chạy xe hơn 60km là việc không ai muốn. Nhưng đây là niềm hy vọng cuối cùng của chúng tôi. Phản ánh ở địa phương nhiều rồi, nhưng không thay đổi gì, đâu lại vào đấy. Ốc của ngư dân vẫn mất”, anh Nguyễn Hoàng Dũng (SN 1977, trú phường Phước Lộc, thị xã La Gi) mở đầu câu chuyện. 5 ngư dân này đều là chủ các tàu hành nghề đánh bắt bạch tuộc bằng vỏ ốc trên biển. Cái nghề đánh bắt bạch tuộc kiểu này đã có từ rất nhiều năm qua. Nó cũng đã giúp 5 ngư dân này làm nên cơ nghiệp, sắm thuyền, mua ngư cụ, rủ bạn vươn khơi. Thời huy hoàng, mỗi năm, thu nhập từ nghề đánh bắt bạch tuộc cũng mang lại cho họ vài trăm triệu đồng. Bạn nghề mỗi người thu nhập cũng bảy, tám mươi triệu đồng/năm. “Nhưng đó là câu chuyện của 2, 3 năm về trước. Chứ giờ thì mỗi lần đi biển là một lần lo, một lần hồi hộp. Không biết ốc thả xuống biển rồi kéo lên còn lại bao nhiêu”, anh Nguyễn Văn Công (ngụ phường Phước Lộc, thị xã La Gi), ngồi kế bên anh Dũng than thở.
Sự hồi hộp lo âu này xuất phát từ tình trạng trộm cắp ốc dùng để bẫy bạch tuộc. Thông thường trước khi thả ốc xuống biển, ngư dân sẽ liên kết các con ốc lại với nhau bằng một sợi dây mà ngư dân hay gọi là dàn nghề. Điều này giúp ngư dân dễ thả ốc xuống biển và kéo lên. Nhưng cũng chính điều này lại bị các đối tượng trộm cắp lợi dụng. “Khoảng 2, 3 năm trở lại đây, tình trạng trộm vỏ ốc diễn ra nhiều hơn. Có những ngày ngư dân mất đến vài thiên (nghìn) vỏ ốc”, anh Dũng bắt đầu kể những câu chuyện buồn. Theo lời của các ngư dân thì ốc dùng để bẫy bạch tuộc thường là vỏ ốc vôi. Loại vỏ ốc này rất có giá trị, lớn nhỏ tùy loại có giá khác nhau nhưng bình quân khoảng 40.000 đồng cho một vỏ ốc. Để đánh bắt hiệu quả, ngư dân thường nối trên dưới 1.000 vỏ ốc thành một dây dài. Và các đối tượng trộm cắp đã lợi dụng điều này cầm một đầu dây và kéo để trộm cắp. Khoảng 2, 3 năm trở lại đây, tình trạng ngư dân mất vỏ ốc xảy ra liên tục, riêng 6 tháng đầu năm 2023, số lượng vỏ ốc bị trộm tăng đột biến. Chúng tôi xin lược trích một đoạn trong đơn cầu cứu của nhóm ngư dân để chứng minh cho điều này “Vào khuya ngày 26/3 đến sáng ngày 27/3 ghe của ông Nguyễn Văn Công có biển hiệu BTH 96487 tiến hành kéo vỏ ốc lên ghe thì phát hiện mất 3 thiên vỏ ốc, tổng giá trị bị mất là 120 triệu đồng. Tiếp đó ngày 29/3, ghe của ông Nguyễn Hoàng Dũng có biển hiệu BTH 07262, khi tiến hành kéo ốc lên để bắt bạch tuộc tại khu vực biển xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, cách bờ biển khoảng 2,5 hải lý thì phát hiện mất 4 thiên vỏ ốc, ước tính thiệt hại 160 triệu đồng. Ngày 19/5, ghe của ông Võ Văn Ngọt có biển hiệu BTH 98314, đang hoạt động đánh bắt bạch tuộc ở tọa độ 10°34.300’N đến 10033.100’N và 107038.500’E đến 107°39.500’E, cách bờ biển xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân khoảng 2,5 hải lý thì phát hiện mất 1 thiên vỏ ốc, ước tính thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Trước đó, vào khuya ngày 17/2 đến sáng ngày 18/2 ghe của ông Võ Văn Ngọt đã bị mất 600 vỏ ốc cũng tại khu vực trên mà chưa xác định được đối tượng đã trộm tài sản. Cũng vào ngày 17/2, ghe của ông Trần Viết Cường cũng bị mất 1.200 vỏ ốc, thiệt hại khoảng 48 triệu đồng, ghe của ông Hồ Quang Lãng bị mất 500 vỏ ốc, ước tính thiệt hại khoảng 20 triệu đồng”. Như vậy, chỉ trong tháng 2 và tháng 3, thuyền của 5 ngư dân này đã mất vài nghìn vỏ ốc, thiệt hại gần 400 triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với ngư dân.
Khi nào biển mới bình yên…?
“Với số vụ mất vỏ ốc xảy ra liên tục như vậy, thì đây chỉ có thể do các đối tượng trộm cắp thực hiện. Và các đối tượng này có sự liên kết chặt chẽ với nhau và rất chuyên nghiệp. Bởi ngư dân đi biển không theo một lịch trình cố định và vị trí thả ốc cũng không báo cho ai. Nhưng các đối tượng vẫn biết để trộm”, anh Nguyễn Hoàng Dũng đặt nghi vấn.
Bị mất vỏ ốc nhiều, tàu của 5 ngư dân này chọn phương án vươn khơi cùng nhau, thả ốc ở gần vị trí và neo tàu ở 5 vị trí khác nhau xung quanh khu vực thả vỏ ốc, nhưng vẫn bị trộm ghé thăm. Bị mất nhiều, 5 ngư dân này đã không dám đi biển. Tạm nghỉ để tránh bọn trộm ghé thăm nhưng vẫn không thoát. “Tôi nghỉ gần một tháng. Đến đầu tháng 6/2023 mới dám đi đánh bạch tuộc trở lại. Lúc đó đi 5 tàu. Trong mấy ngày đầu thấy êm, không bị mất trộm nên khi 4 ghe bạn đi vào bờ thì ghe của tôi còn ở lại đánh thêm một đêm. Và đêm đó, tàu của tôi bị trộm ghé thăm, trộm mất gần 1 thiên vỏ ốc”, anh Nguyễn Văn Công buồn bã cho biết.
Trong số 5 ngư dân này, người mất nhiều nhất là anh Nguyễn Hoàng Dũng và Nguyễn Văn Công. Mỗi người mất khoảng 5 thiên ốc trị giá hơn 200 triệu đồng. Mất vỏ ốc, không đủ số lượng vỏ ốc để hành nghề. Các ngư dân đành phải tìm cách xoay xở mua lại vỏ ốc. Để có tiền, anh Nguyễn Hoàng Dũng đã phải đành lòng dừng hợp đồng bảo hiểm đã đóng cho 3 người con và còn phải vay thêm của ngân hàng số tiền gần 300 triệu đồng để lấy tiền mua vỏ ốc. Còn anh Nguyễn Văn Công vay tiền ngân hàng mua bổ sung được 2,6 thiên ốc thì ngày 7/6 đã bị bọn trộm lấy mất gần 1 thiên. Số lượng vỏ ốc bị mất ngày càng nhiều, ngư dân không thể tiếp tục đánh bắt mà phải về neo đậu tại cửa biển thị xã La Gi, để cầu cứu sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền. 5 ngư dân đã trình báo Đồn Biên phòng Tân Thắng, cơ quan công an các xã, Công an huyện Hàm Tân để mong tìm lại tài sản đã bị mất và có biện pháp ngăn chặn, xử lý đối tượng để yên tâm tiếp tục đánh bắt hải sản. Nhưng đến nay, vẫn chưa thấy gì? “Bị mất ốc quá nhiều thu nhập của chúng tôi giảm hơn một nửa so với trước đây. Chúng tôi đang đứng trước nguy cơ không thể trả số nợ đã vay của ngân hàng và không còn tiền mua bổ sung số lượng vỏ ốc để tiếp tục đi đánh bắt. Nguy cơ mất tài sản mà chúng tôi vất vả bao năm mới gây dựng được đang rất gần”, anh Nguyễn Văn Công buồn bã cho biết.
Không chỉ 5 ngư dân này, mà thời gian qua đã có rất nhiều ngư dân hành nghề đánh bắt bạch tuộc bằng vỏ ốc bị trộm cắp. Có những người bị trộm mất gần hết số vỏ ốc, không đủ tiền mua bổ sung đành phải bán ghe chấp nhận làm thuê. Mới đây, hơn 20 người ở thị xã La Gi đã đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh gửi đơn cầu cứu, đề nghị các ngành chức năng vào cuộc xử lý tình trạng này để người dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Chúng tôi tạm biệt nhóm ngư dân khi trời đã chập choạng tối. Nhưng câu hỏi “Việc gửi đơn lên đến cấp tỉnh là niềm hy vọng cuối cùng của chúng tôi. Các ngành chức năng đã nhận đơn và hứa sẽ có biện pháp phối hợp xử lý. Nhưng xử lý như thế nào, có trị dứt điểm tình trạng này hay không thì chúng tôi vẫn chưa biết” của nhóm ngư dân khiến chúng tôi day dứt. Không lẽ, “chịu thua” để cho bọn xấu thản nhiên lấy đi tài sản của ngư dân, đẩy bao gia đình vào cảnh khốn khó…?