Theo dõi trên

Nông dân tham gia vào hợp tác xã: Vượt khó khăn, cùng chung bước

10/05/2022, 05:04

Cái khó nhất trong phát triển nông nghiệp hiện nay chính là nông sản làm ra thường lặp lại điệp khúc “được giá mất mùa, được mùa mất giá”. Vì thế, khi nông dân thấy được năng lực của hợp tác xã (HTX), thu mua với giá ổn định, là chỗ dựa vững chắc trong cơn “bão giá” như hiện nay, thì sẽ tự nguyện tham gia vào HTX. Từ đó thuận lợi cho HTX hoạt động và tổ chức sản xuất.

Bài 1: Hoạt động của hợp tác xã còn nhiều bất cập

Những năm qua, hoạt động của các HTX trong tỉnh có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua đó, góp phần hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân hoài nghi về bản chất hoạt động của HTX kiểu mới, mơ hồ trong việc góp vốn, hình thức góp vốn, phương án sản xuất kinh doanh… nên chưa mạnh dạn tham gia vào HTX.

Còn nhiều khó khăn

Trong vài năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid -19, nên thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều hạn chế. Cùng với đó, thực trạng chung của sản xuất nông nghiệp hiện nay là giá cả bấp bênh, xuất khẩu tiểu ngạch chiếm tỷ trọng cao, giá cả vật tư tăng chóng mặt. Mặt khác, chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai đồng bộ từ tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đảm bảo theo chuỗi liên kết chiếm tỷ lệ thấp. Các doanh nghiệp tiêu thụ có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, người trồng thanh long chưa thật sự an tâm để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, dẫn đến việc thành lập các tổ, nhóm mới, cũng như thực hiện tái chứng nhận đối với diện tích đến hạn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, liên kết giữa nông dân với nông dân thông qua tổ chức kinh tế tập thể chưa phát huy hiệu quả, liên kết giữa HTX với doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu bền vững. Các doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư sơ chế, chế biến thanh long nhằm đa dạng hóa sản phẩm thanh long (thanh long sấy dẻo - giòn, kẹo thanh long, rượu thanh long...) nhưng số lượng còn ít. Các HTX nông nghiệp kinh doanh chưa hiệu quả dẫn đến việc thu hút xã viên tham gia còn hạn chế.

z3366213391493_69e8fb72789887ba9a80923cdc4942f2.jpg
Ông Phạm Văn Bán- Giám đốc HTX thanh long Bắc Bình

Đơn cử tại huyện Bắc Bình hiện chỉ có 4 HTX về thanh long, trong khi diện tích thanh long toàn huyện trên 4.000 ha. Ông Phạm Văn Bán - Giám đốc HTX thanh long Bắc Bình chia sẻ: HTX thành lập năm 2019, hoạt động chưa ổn định đã bắt đầu bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cho đến nay. HTX có 53 ha, với hơn 20 thành viên, đã từng liên kết tiêu thụ sản phẩm thanh long VietGAP với HTX Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc), nhưng ảnh hưởng dịch bệnh nên buộc phải tạm dừng. Đến thời điểm này, HTX chỉ còn duy trì hơn 20 ha với 9 thành viên. Ông Bán nhìn nhận, liên kết giữa nông dân với nông dân thông qua tổ chức kinh tế tập thể chưa phát huy hiệu quả. Trong khi liên kết giữa HTX với doanh nghiệp còn ít, thiếu bền vững. Các HTX nông nghiệp kinh doanh chưa hiệu quả dẫn đến khó thu hút xã viên tham gia.

Các chuỗi liên kết ít, chưa ổn định

Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của các sở ngành, địa phương, một số HTX được tiếp cận cơ chế chính sách, đầu tư có chiều sâu, đã mạnh dạn xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới. Nhờ đó, tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện, vì lợi ích của thành viên. Điển hình trong số đó như HTX thanh long Thuận Tiến, HTX Công Thành Đức Linh, HTX Đức Phú, HTX Hưng Thịnh Tánh Linh, HTX thanh long Hàm Đức... Với quy mô chỉ có 7-11 thành viên/HTX, nhưng các HTX đã chủ động kết nối với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên quan để thực hiện việc cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin cho thành viên khi tham gia sản xuất. Đơn cử, các chuỗi liên kết giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp như: Chuỗi lúa gạo của HTX Nông nghiệp Long Điền 1 với Doanh nghiệp Long Thảo, chuỗi lúa nếp của HTX Công Thành Đức Linh, chuỗi lúa gạo của các HTX trên địa bàn huyện Tánh Linh với Công ty Đại Nhật Phát. Một số HTX thanh long đã liên kết với nông dân thông qua các nhóm hộ hoặc các tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP để mở rộng vùng sản xuất như HTX Thuận Tiến, HTX Hòa Lệ...

z3397944251642_a7825c71d1cac5aa1b1d7c9ccb1289ee.jpg
Chế biến thanh long tại HTX thanh long sạch Hòa Lệ

Tuy nhiên hình thức hợp tác này chưa ổn định và bền vững, các thành viên liên kết không được thụ hưởng quyền lợi như thành viên chính thức. Bên cạnh những HTX chủ động đổi mới, linh hoạt thích ứng với thị trường, thì vẫn còn nhiều HTX thụ động, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì vậy, dù đã thành lập nhiều năm nhưng một số HTX chỉ có hơn chục thành viên tham gia. Một số HTX sau một thời gian ngắn thành lập đã tự tan rã vì ban quản trị HTX không có năng lực, không tâm huyết vì lợi ích chung. Chưa kể, một số HTX thành lập chỉ để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

K. HẰNG- M.VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khảo sát việc trồng và tiêu thụ thanh long tại huyện Bắc Bình
Sáng 18/4, đoàn khảo sát do ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát việc trồng và tiêu thụ thanh long tại huyện Bắc Bình. Cùng tham dự chuyến khảo sát có bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban ngành, địa phương liên quan.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân tham gia vào hợp tác xã: Vượt khó khăn, cùng chung bước