Đoàn khảo sát đã chia thành 2 nhóm để tiến hành thăm hỏi, nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long của một số nông dân, hợp tác xã trên địa bàn huyện Bắc Bình. Trong đó, nhấn mạnh việc trồng, chăm sóc cây thanh long, thực trạng sản xuất, sâu bệnh hại và việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, việc tham gia VietGAP, GlobalGAP...
Qua khảo sát, các hộ trồng thanh long đều nêu khó khăn về tình trạng giá cả bấp bênh, giá phân bón tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào. Theo đó, nông dân mong muốn được Nhà nước hỗ trợ đầu ra nông sản, giá cả vật tư nông nghiệp… để bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, việc thành lập đoàn khảo sát sẽ giúp nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, tiêu thụ trái thanh long của tỉnh thời gian qua. Tránh tình trạng đầu ra bấp bênh, đảm bảo phát triển cây thanh long theo hướng bền vững. Đồng thời, chủ động đáp ứng về một số nội dung yêu cầu của các nước nhập khẩu trái thanh long đặt ra. Tăng cường tuyên truyền người trồng thanh long chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch… Theo kế hoạch, trong ngày 19 và 27/4, đoàn khảo sát sẽ tiến hành khảo sát tại huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Đồng thời, đoàn sẽ phát 300 phiếu khảo sát tại 3 địa phương trồng thanh long để đánh giá thực trạng, có giải pháp trong thời gian tới.
Theo UBND huyện Bắc Bình, đến nay tổng diện tích cây thanh long trên địa bàn là 4.032 ha, giảm 595 ha so với năm 2021. Hầu hết diện tích thanh long đã tiến hành sản xuất, xử lý ra hoa trái vụ. Sản lượng thanh long trong quý I/2022 đạt 30.211 tấn. Toàn huyện hiện có 59 cơ sở lớn, nhỏ thu mua thanh long, sau khi thu mua các cơ sở bán lại cho các thương lái ngoài huyện. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 nên tình hình thu mua rất khó khăn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện chỉ có 1 cơ sở chế biến thanh long là Công ty TNHH nước ép Phúc Hà, xã Hải Ninh, sản phẩm chủ yếu là nước ép lên men tự nhiên từ trái thanh long, sản lượng thu mua rất ít, không đáng kể.