Theo dõi trên

Thanh long và sự chuyển đổi

18/04/2022, 07:09

1. Theo số liệu từ Cục Thống kê, hiện diện tích thanh long toàn tỉnh 32.842,6 ha, giảm 2,7% so cùng kỳ năm 2021 (khoảng 33.750 ha). Đáng lưu ý, từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng thanh long rớt giá kéo dài, tiêu thụ rất khó khăn. Do đó, dẫn đến xu hướng người dân không sản xuất hoặc phá bỏ thanh long, nhất là các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình.

Nghịch lý xảy ra khi nông dân đầu tư liên tục 3 - 4 pha chong đèn, với chi phí hàng chục triệu đồng, nhưng khi có trái chín đỏ cành, thanh long lại không bán được dẫn đến thua lỗ. Sự thất vọng và bất an khiến không ít hộ dân đã chọn cách chặt bỏ, nhổ trụ cây thanh long. Thời điểm này, khi diện tích thanh long chặt bỏ trên địa bàn tỉnh lên đến trên 2.000 ha, vụ chong đèn đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp. Chỉ vài tuần nữa, lứa thanh long vụ mùa sẽ rộ trái. Nhưng những ngày qua, thanh long lại được thương lái báo giá từ 11.000 - 16.000 đồng/kg. Tất nhiên, sản lượng thanh long chín dịp này sẽ không có hoặc rất ít. Nông dân chỉ biết lắc đầu tiếc nuối.

z3251100474555_2522c136ee3eb3fefc99aaae494f5819.jpg
Sơ chế thanh long

Đơn cử như hộ anh Nguyễn Văn T. ở Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc có trên 500 trụ thanh long. Trong thời điểm thanh long tụt giá, gia đình đã quyết định chặt cành, nhổ trụ để trồng dừa và các loại rau ăn trái như bầu, bí, khổ qua… Theo anh T. , đây chỉ là biện pháp trước mắt, còn về lâu dài gia đình vẫn chưa biết chuyển đổi cây trồng sang loại gì để có đầu ra, tránh tình trạng cung vượt cầu như một số loại nông sản khác, nhất là thanh long. Theo anh T., giá thanh long cao như hiện nay có thể là giá ảo, khi nông dân không có hàng bán.

2. Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, khi thanh long có giá cao chưa từng có, xấp xỉ 30.000 đồng/kg, rất nhiều hộ dân, trong đó có huyện Hàm Thuận Bắc đã chuyển đổi từ đất lúa qua trồng cây thanh long, dù được khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Diện tích thanh long ngày càng mở rộng, đã phá vỡ quy hoạch của tỉnh (đến năm 2025 diện tích thanh long toàn tỉnh 30.000 ha). Điều đáng nói, không chỉ riêng vào thời điểm này, mà xuyên suốt trong nhiều năm qua, nông sản nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng đã không ít lần diễn ra điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, khiến nông dân bất an. Vậy nhưng có lẽ việc nông dân chặt bỏ cây thanh long nhiều như thời điểm này thì chưa bao giờ xảy ra. Một trong những nguyên nhân được các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương xác định là tác động tiêu cực từ các cửa khẩu phía Bắc do các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Phần nữa, chưa bao giờ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao như hiện nay, khiến chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp bị đội chi phí đầu tư quá cao.

3. Trước thực trạng thanh long, loại cây chủ lực của tỉnh khó tiêu thụ, giá thấp khiến nhiều hộ dân đành ngậm ngùi chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng, thậm chí phân lô bán đất. Tới nay, đã có 6 huyện thực hiện việc rà soát lại diện tích là Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong, với tổng diện tích thanh long giảm gần 1.000 ha.

Để hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ thanh long, bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, về phía Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị trực thuộc đã có sự quan tâm đặc biệt và đã phối hợp với các bộ, ngành trong nước, các cơ quan, tổ chức và tham tán Việt Nam ở nước ngoài để tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến tiêu thụ. Đơn cử như hội nghị trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu đường biển, 2 hội nghị trực tuyến thúc đẩy, kết nối tiêu thụ thanh long, 3 hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm thanh long vào thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và Australia...

Mặt khác, hiện Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát giúp nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, tiêu thụ trái thanh long của tỉnh Bình Thuận thời gian qua. Với hy vọng tránh tình trạng đầu ra bấp bênh, đảm bảo phát triển thanh long theo hướng bền vững. Chủ động đáp ứng về một số nội dung yêu cầu của các nước nhập khẩu trái thanh long đặt ra (chủ yếu tiêu thụ tại Trung Quốc), từng bước hoàn tất chỉ dẫn địa lý, mã vùng, mã vạch, mã kho... để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến thanh long thân thiện môi trường
BTO- Sáng nay (24/3), Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Dự án Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến thanh long thân thiện với môi trường; phương pháp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh thanh long xanh trên sàn thương mại điện tử. Tham dự lớp tập huấn có 30 đại biểu là thành viên các hợp tác xã thanh long trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long và sự chuyển đổi