Theo dõi trên

Rộ thông tin nông dân bán vườn, chặt bỏ thanh long: Định hướng người trồng ổn định sản xuất

06/04/2022, 05:57

Thời gian gần đây, một số địa phương trên địa bàn tỉnh có tình trạng người dân đang bán vườn thanh long, bán đất có trồng thanh long hoặc chặt bỏ vườn, chuyển đổi trồng các cây trồng khác. Nguyên nhân chính được cho là giá bán quá thấp, thua lỗ…

Rà soát lại diện tích

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, tính đến cuối năm 2021, diện tích thanh long toàn tỉnh là 33.750 ha, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm. Tới nay, đã có 6 huyện, thành phố thực hiện việc rà soát là Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân, Phan Thiết và Tánh Linh. Riêng huyện Đức Linh diện tích trồng thanh long không đáng kể. Các địa phương còn lại đang triển khai thực hiện việc rà soát về địa bàn từng xã.

z3314175211281_c28bd209758253cb9020681e05a55b11.jpg
Một vườn thanh long vừa bị nhổ trụ tại xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết

Kết quả rà soát bước đầu cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay diện tích thanh long toàn tỉnh giảm 936,4 ha. Bao gồm Hàm Thuận Nam gần 230 ha, Bắc Bình 595,8 ha, Tuy Phong 30 ha, Hàm Tân 20 ha, Phan Thiết 34 ha và Tánh Linh 28 ha. Trong số này, diện tích thanh long chuyển đổi sang cây trồng khác là 432,5 ha, với hơn 900 hộ. Đơn cử huyện Bắc Bình 361,5 ha, tập trung ở các xã Hồng Thái, Hải Ninh, Phan Lâm với nhóm cây trồng dừa, mít, xoài hoặc cây rừng. Hàm Thuận Nam 34,2 ha tập trung ở các xã Tân Lập, Hàm Kiệm với các loại cây như dừa, mít, bưởi, trồng cỏ nuôi bò. TP. Phan Thiết có 9 ha ở xã Phong Nẫm, Tiến Lợi với các cây trồng như mãng cầu, rau, cỏ nuôi bò, Tánh Linh 28 ha chuyển sang trồng rau màu. Ngoài ra, diện tích thanh long chuyển mục đích sử dụng như phân lô, bán nền là 11,5 ha. Trong đó, chủ yếu tại TP. Phan Thiết 8,5 ha và Hàm Thuận Nam 3 ha. Riêng diện tích thanh long chặt bỏ, không sản xuất là 477,7 ha. Đối với huyện Hàm Thuận Bắc, năm 2021 diện tích thanh long giảm gần 1.500 ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi cây trồng là 486,45 ha tập trung ở các địa bàn xã Hàm Chính, Hàm Đức, Thuận Minh, chủ yếu chuyển sang rau màu và lúa. Diện tích thanh long chặt bỏ không sản xuất là trên 1.000 ha, tập trung ở các xã Hàm Chính, Hồng Sơn, Hàm Thắng và Hàm Đức.

z3314175160029_bc5875ac8c9a589bd06f28cd37414eb6.jpg
Một vườn thanh long vừa bị nhổ trụ tại xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, việc người dân trồng thanh long chặt bỏ hoặc chuyển sang một số cây trồng khác do giá thanh long xuống thấp trong thời gian dài. Đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay, giá thanh long luôn ở mức thấp, thậm chí không có người thu mua. Thêm vào đó, vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV tăng cao nên người dân không gánh nổi chi phí để duy trì sản xuất. Trong khi đó, một số địa bàn giá cả đất đai tăng mạnh, nhất là TP. Phan Thiết, dẫn đến người trồng thanh long bán đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Mặt khác, một số diện tích thanh long già cỗi, sản lượng thấp nên người dân chủ động chặt bỏ để thay thế bằng cây trồng khác hoặc giống khác.

Cân nhắc việc chặt bỏ thanh long

Theo ông Đỗ Văn Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, trước thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long cần bình tĩnh, thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường để định hướng cho việc sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, không sản xuất sản phẩm mình có mà sản xuất sản phẩm thị trường cần. Nhất là trước tình hình giá thanh long xuống thấp hiện nay, người dân nên cân nhắc không nên vội vàng chặt bỏ, không đầu tư chăm sóc. Thay vào đó, bà con nên duy trì vườn thanh long bằng cách tưới nước, cắt cỏ, bón phân hữu cơ với lượng tối thiểu để giữ màu xanh của cây, tránh tình trạng cây suy kiệt teo tóp. Đến khi tình hình thị trường ổn định sẽ tiếp tục đầu tư khai thác.

Ông Bảo cũng cho biết, đối với diện tích thanh long già cỗi, có thể chặt bỏ để trồng mới hoặc thay đổi các cây trồng khác nhưng phải phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và có định hướng thị trường các loại cây chuyển đổi. Về lâu dài, người trồng thanh long cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng, chủ động trong việc thực hiện các yêu cầu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, từng bước nâng cao chất lượng của sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thanh long cần cập nhật, theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu của các cửa khẩu và các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 của nước nhập khẩu đối với hàng hóa, xe cộ và tài xế để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Phối hợp, đàm phán với khách hàng để lựa chọn hình thức xuất khẩu phù hợp, an toàn, hạn chế rủi ro. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề xuất các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tuyên truyền, vận động người dân duy trì sản xuất, không chặt bỏ ồ ạt thanh long. Song song, xác định các cây trồng mới có giá trị cao, phù hợp với từng địa bàn để khuyến cáo cho người dân thay thế diện tích thanh long già cỗi, năng suất kém nhằm đa dạng cây trồng, hạn chế rủi ro...

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc: Diện tích thanh long giảm khoảng 1.500 ha
BTO-Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thanh long không ổn định, có thời điểm giá thanh long vụ nghịch, chong điện nhưng chỉ từ 500 - 2000 đồng/kg; nhiều nhà vườn thua lỗ nặng, không còn khả năng đầu tư, chăm sóc.
Nổi bật
Cầu truyền hình 'Dưới lá cờ quyết thắng' kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã diễn ra tối 5/5 tại 5 điểm cầu: Khu vực Sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1 (Điện Biên); Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa); Nhà rông Kon Klor (Kon Tum), Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh).
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rộ thông tin nông dân bán vườn, chặt bỏ thanh long: Định hướng người trồng ổn định sản xuất