Chở vợ người ta đi đặt vòng miễn phí
Khi biết vợ chồng ông Trần Văn K. có 3 con gái, nhưng vẫn muốn sinh thêm. Trong khi đó, ông K. là lao động chính, kinh tế phụ thuộc vào vài sào đất, thiếu trước hụt sau. Ông Hồ Ngọc Pháp quyết tâm vận động ông chồng cho bà vợ đi đặt vòng để giảm sinh. Tranh thủ lúc nghỉ trưa, ông Pháp tìm đến nhà để vận động. Ông Pháp vừa dứt lời, ông K. đứng phăng dậy, đập mạnh xuống bàn và chỉ tay vào mặt ông Pháp nói: “Tôi muốn đẻ hay không là quyền của tôi. Đẻ ra gia đình tôi nuôi, chứ có bắt ông nuôi đâu? Chuyện vợ chồng người ta mà ông cứ xía vào hoài… Nghe phát ngán”. Thế là, ông Pháp lặng lẽ đi về.
Lòng nặng trĩu. Đêm nằm, ông Pháp gác tay lên trán, nhìn lên trần nhà và trằn trọc không ngủ được. Buồn vì lời lẽ không hay của ông K., buồn vì thuyết phục không thành công. Nghe tiếng ông thở dài, vợ ông tinh ý, biết chuyện nên hiến kế khác. Khoảng 1 tháng sau, ông xin mạnh thường quân quà mang đến tặng bởi gia đình ông K. cũng khó khăn. Sau đó, lại tiếp tục vận động và bị từ chối 5 lần, đến lần thứ 6 thì 2 vợ chồng ông K. đồng ý. Ông Pháp sang chở vợ ông K. đến trạm y tế để đặt vòng. Thế mà vợ ông mừng ra mặt, dù biết cuốc đi xe đó không có đồng nào. Chuyện ngược đời, ai tin nổi hông. Thế mà, chuyện như vậy lại rất thường ở khu vực ông Pháp sống. Đã thế, có trường hợp còn “mè nheo” nữa như chuyện cặp vợ chồng Nguyễn Thanh B.
Vợ chồng này đã có 4 đứa con nhỏ, nhưng không muốn kế hoạch hóa gia đình. Sau nhiều lần thuyết phục, người chồng đồng ý cho vợ đi triệt sản. Sau đó lại từ chối vì không ai chăm sóc con nhỏ do chồng đi biển. Vậy là, ông Pháp nhờ thêm 1 cộng tác viên nữ cùng ông sang nấu cơm, tắm rửa 4 đứa nhỏ và lo cho chúng ăn uống. Cuối cùng, người vợ đồng ý để ông Pháp chở đi triệt sản.
Năm nay, ông Pháp đã ngót 60 tuổi. Vẫn làm nghề chạy xe ôm và cả cái nghề mà người dân quanh vùng đã gọi từ lâu là ông Pháp “sinh đẻ”. Người ông gầy nhom như thế nhưng được cái, lúc nào cũng cười và cười tươi. Có lẽ vậy mà ông có duyên với cái nghề tế nhị này chăng. Mà ông làm siêng năng phải biết, bất chấp ai chọc “việc nhà không lo, lại đi lo chuyện giường chiếu thiên hạ”. Những buổi trưa nắng nóng hầm hập như chảo rang, không có khách đi xe ôm, ông Pháp tranh thủ vào nhà người ta vận động sinh đẻ có kế hoạch. Khi màn đêm buông xuống, xuyên thấu những con đường đất quanh co, với chiếc đèn pin trên tay, ông Pháp cần mẫn lại đến nhà người ta để vận động. Với trường hợp lao động biển vừa đi biển vào, còn mệt, chưa nhậu được, ông Pháp tới rủ uống trà và nói chuyện. Trong cuộc trò chuyện, ông Pháp vận động các ông chồng về việc giảm sinh. Tùy thuộc gia đình sắp xếp đi lúc nào, là ông Pháp đến chở vợ họ miễn phí đến trạm y tế để đặt vòng. Bị các chị trêu chọc: “Vợ người ta, sao ông cứ dành chở đi đặt vòng?”, ông cười “kệ đi mà”.
Như trái ngọt
Hơn 20 năm về trước, thị trấn Liên Hương là địa bàn đông dân cư so với các xã khác trong huyện. Người dân chủ yếu sống bằng nghề biển và làm nông, tâm lý muốn sinh nhiều con, thích con trai để có nguồn lao động. Tuy nhiên, gia đình đông con thì không chăm lo được một cách toàn diện và sinh ra bao hệ lụy đau lòng. Lúc đó, khu phố trưởng kiêm luôn làm cộng tác viên dân số. Hàng ngày uống trà hàn huyên, nghe ông khu phố trưởng than thở, ông Pháp cảm cảnh muốn giúp đỡ. Rồi không ngờ có duyên với nghề tế nhị này nên gắn bó từ đó đến giờ. Thật ra, cái duyên ấy xuất phát từ những gì ông Pháp thấy công việc mình nhiều ý nghĩa, khi góp phần quyết định tạo sự đổi thay, phát triển, hưng thịnh. Chính ông vui cùng niềm vui của những gia đình mà ông giúp khi trước. Như gia đình ông K. sau khi thực hiện kế hoạch hóa gia đình - không sinh thêm con, rồi cố gắng làm ăn, nuôi 3 con vào đại học. Đến nay, các con ông K. đều có công việc làm ổn định, cuộc sống khấm khá hơn nhiều so với thời điểm 20 năm trước. Còn gia đình Nguyễn Thanh B., các con đều học nghề, hiện nay 3 đứa đầu lập gia đình có cuộc sống ổn định, còn đứa út thì đang học cấp 3. Các con ông Pháp cũng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và có việc làm…
Kết quả trên như khích lệ ông Pháp tiếp tục công việc của hiện tại. Đó là có thêm nhiều gia đình chuyển biến, thực hiện các biện pháp tránh thai để giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước và sau sinh để từng bước nâng cao chất lượng dân số. Nghe ông Pháp nói hàng loạt việc phải làm để đạt mục đích trên, tôi không ngạc nhiên lắm khi ông khẳng định cộng tác viên dân số là đàn ông có nhiều mặt lợi. Nếu như cộng tác viên nữ dễ dàng khi tiếp xúc chị em thì cộng tác viên dân số nam lại lợi thế trong việc gặp gỡ các ông chồng. Vì vậy, vận động thành công các ông chồng thì công tác dân số cũng thuận lợi.
Nghe đến đây, chị Nguyễn Ngọc Tuyền - cán bộ dân số của thị trấn Liên Hương (Tuy Phong) cũng nhấn mạnh thêm như một cách ngợi khen động viên ông Pháp. Rằng với công tác dân số, là đàn ông - ông Pháp tuyên truyền, vận động cho cánh đàn ông và phụ nữ. Còn phụ nữ làm công tác dân số thì chỉ vận động được phụ nữ với nhau. Mặc dù thời điểm ấy, tiền hỗ trợ là 50.000 đồng/tháng, thấm vào đâu so tiền xăng để đi vận động, nhưng vợ của ông Pháp luôn ủng hộ việc làm phục vụ cho xã hội. Có giai đoạn, mức hỗ trợ được nâng lên là 250.000 đồng/tháng nhờ vào nguồn hỗ trợ của trung ương và tỉnh. Đến nay, nguồn hỗ trợ của trung ương cắt giảm, nên mức hỗ trợ này cho cộng tác viên dân số chỉ còn 100.000 đồng/tháng (từ nguồn của tỉnh). Sự cắt giảm này, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm tư của cộng tác viên dân số. Tuy nhiên, ông Pháp vẫn nhiệt tình đến từng nhà vận động từ chuyện sinh đẻ đến tuyên truyền dinh dưỡng cho trẻ.
Theo chị Tuyền, toàn thị trấn có 35.528 người dân, trong đó có 5.240 người trong độ tuổi sinh đẻ đều được tuyên truyền về chính sách dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước và sau sinh. Điều này nhờ vào các cộng tác viên dân số như ông Pháp - những người đóng góp thầm lặng, được ví như “cánh tay đắc lực” trong việc nâng cao chất lượng dân số ở khu dân cư. Cộng tác viên dân số là đàn ông thì không có nhiều. Hơn nữa, 20 năm là một chặng đường dài mà ít người nam - cộng tác viên dân số duy trì được.
Nghe nói, sau cuộc nói chuyện với chúng tôi, ông Pháp có lịch đến nhà của đôi vợ chồng trẻ để tư vấn những kiến thức tiền hôn nhân. Lớp trẻ có nghe không? Tôi hỏi. “Nghe chứ, ông Pháp đã thuộc lớp cha chú mà”- chị Tuyền nói. Và tôi cảm nhận, ông Pháp như trái ngọt của ngành dân số.
Nghe ông Pháp nói hàng loạt việc phải làm để đạt mục đích trên, tôi không ngạc nhiên lắm khi ông khẳng định cộng tác viên dân số là đàn ông có nhiều mặt lợi. Nếu như cộng tác viên nữ dễ dàng khi tiếp xúc chị em thì cộng tác viên dân số nam lại lợi thế trong việc gặp gỡ các ông chồng.