Theo dõi trên

Phan Thiết: Phát huy lợi thế sản phẩm địa phương, kích cầu tiêu dùng

24/10/2023, 05:50

Hiện nay, tại các quầy kệ trong chợ truyền thống và hệ thống phân phối lớn tại Phan Thiết, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo so với hàng hóa nhập khẩu. Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà hàng nội địa đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng.

Thiết lập các kênh phân phối

Bà Phan Thị Thanh Mai – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Phan Thiết, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Phan Thiết cho biết: Năm 2023 là Năm Du lịch quốc gia, đồng thời hệ thống giao thông cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi vào hoạt động khiến lượng khách đến Phan Thiết tham quan, mua sắm nhộn nhịp hẳn. Sức mua tại các chợ vào ngày cuối tuần tăng cao, nhất là mặt hàng hải sản và chế biến từ hải sản.

cho-pt11.jpg
Khách hàng mua sắm ở chợ Phan Thiết (ảnh minh họa).

Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp trên địa bàn đã không ngừng mở rộng kênh phân phối, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng, cam kết quan tâm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình, tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận hợp tác trong liên kết trao đổi sản phẩm, hàng hóa. Ngoài ra, dịp lễ, tết, các Doanh nghiệp Nước mắm Toàn Hương, Công ty TNHH Hải Nam, Doanh nghiệp Ngọc Uyên… chủ động đưa mặt hàng cá khô, nước mắm, bánh rế, cốm, rượu thanh long về nông thôn và giảm giá bán nhằm kích cầu tiêu dùng, qua đó quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao.

mua-sam.jpg
Hàng Việt chiếm đa số trên các kệ hàng của các cửa hàng, siêu thị.

Đặc biệt, trong triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020, các doanh nghiệp, công ty sản xuất nước mắm trên địa bàn đã không ngừng mở rộng kênh phân phối, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Tại hệ thống siêu thị đóng trên địa bàn, hàng nội tỉnh và trong nước luôn đạt tỷ lệ cao. Đối với kênh bán lẻ, chợ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt được các nhà kinh doanh, mua bán chọn giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng và là mặt hàng chủ yếu trong kinh doanh.

nuoc-mam.jpg
Nước mắm do người dân Phan Thiết sản xuất được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng

Đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức

Năm 2023, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến các đoàn viên, hội viên và tầng lớp nhân dân nắm rõ chủ trương, tích cực hưởng ứng cuộc vận động. Bà Phan Thị Thanh Mai đánh giá: Nội dung tuyên truyền, vận động đã được lồng ghép trong các buổi họp dân, sinh hoạt khu phố, thôn, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, hội nghị tập huấn, sinh hoạt trong các trường học... Đồng thời, Ban chỉ đạo phối hợp với UBND phường, xã vận động và hướng dẫn ban quản lý chợ địa phương và chợ đầu mối Phan Thiết, các hộ kinh doanh quảng bá hàng Việt Nam để khuyến khích người tiêu dùng.

Các đoàn thể, tổ chức thành viên như Hội Liên hiệp Phụ nữ gắn thực hiện cuộc vận động với phong trào “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, hội thi “Phụ nữ khởi nghiệp – phát huy tài nguyên bản địa”; Hội Nông dân phát động đăng ký gắn với phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”; Đoàn thanh niên phát động chương trình “Thanh niên Việt Nam đồng hành cùng Việt Nam”… Từ đó góp phần hình thành chuỗi liên kết sản phẩm, mô hình hợp tác xã tại các xã xây dựng nông thôn mới, phân phối hàng hóa tới chương trình hội chợ, gian hàng ẩm thực ở Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội đường phố. Trong đó, các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố đã tham gia 13 cuộc triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm tiêu biểu trong nước. Chương trình OCOP năm 2023 có 20 chủ thể tham gia dự thi với 47 sản phẩm.

Qua nhận xét của người tiêu dùng thì chất lượng hàng Việt ngày càng nâng lên cả về mẫu mã, kiểu dáng. Thói quen mua sắm hàng Việt của người tiêu dùng thành phố vì thế sôi động hơn. Còn đối với các doanh nghiệp ra sức thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong sản xuất; thi đua sản xuất ra nhiều hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao; đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của mọi người dân, góp phần ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nước mắm Phan Thiết tham gia hội chợ thời Pháp thuộc
Theo thống kê của chính quyền thuộc địa, đến những năm 1940 nghề làm nước mắm ở Bình Thuận đã rất phát triển, nắm giữ vị trí “trung tâm sản xuất nước mắm chính của Đông Dương”. Một trong những yếu tố mang lại thành công đó là các hàm hộ biết tận dụng cơ hội quảng bá thương hiệu khi gửi sản phẩm của mình tham gia các cuộc hội chợ triển lãm do chính quyền thuộc địa tổ chức.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết: Phát huy lợi thế sản phẩm địa phương, kích cầu tiêu dùng