Nắm cơ hội, tự tin khởi nghiệp
29 tuổi bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng một nghề liên quan đến nghệ thuật, trái ngược hẳn công việc đang làm; 31 tuổi, sẵn sàng cởi bỏ “chiếc áo” công chức sau 12 năm gắn bó để được toàn tâm toàn ý theo đuổi đam mê, Lê Thị Ánh Nguyệt (thôn Đá Mài 1, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân) đã vượt qua tư tưởng và định kiến đóng khung của xã hội về vai trò của người phụ nữ, về sự an phận với những gì được phân công.
Dấu mốc như Nguyệt chia sẻ, đó là quãng thời gian năm 2016, tình cờ bắt gặp những tấm thiệp handmade làm bằng giấy xoắn rất dễ thương ở nhà sách. Ngay lập tức cô bị thu hút và mua liền 5 tấm mang về mày mò làm theo. Nhờ internet, Nguyệt biết đó là nghệ thuật giấy xoắn đang được nhiều bạn khuyết tật trong nước tạo ra với nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Thế rồi, từ một người chưa từng biết gì về môn nghệ thuật này, Nguyệt lân la học hỏi những người bạn am hiểu và được sự góp ý, chỉ bảo tận tình.
Từ những bức tranh ban đầu hoàn toàn nghiệp dư, có khi phải mất cả tháng trời mới hoàn thành. Nhờ sự kiên trì, tay nghề của Nguyệt ngày càng tiến bộ, rồi được nhiều người biết đến, ủng hộ. Năm 2019, Nguyệt mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hàm Tân tổ chức và đã đạt giải nhất. Đây là “bước đệm” để cô mạnh dạn tạo dựng thương hiệu Ánh Nguyệt Quiling và sau này mở rộng thành xưởng tranh giấy xoắn LYNA Paper Art, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên.
Mạnh dạn bước qua khỏi những rào cản, thực hiện khát khao làm chủ thu nhập và thúc đẩy môi trường xanh bền vững. Đó không chỉ mong ước của Lê Thị Ánh Nguyệt mà cũng là mục tiêu hướng đến của bà Trần Thị Sáu – Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi, nhưng không ngừng sáng tạo để biến những dây nhựa cột vật liệu xây dựng, linh kiện máy móc tưởng chừng là rác thải bỏ đi trở thành các giỏ nhựa đựng rác thải, đựng nông sản, hải sản, hộp viết… thân thiện môi trường.
Phụ nữ thời kỳ hội nhập
Trước xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ tiếp tục phát huy, khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Thời cuộc mở ra nhiều cơ hội, họ luôn cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và kiên trì, suy nghĩ đột phá, tạo bàn đạp thúc đẩy phát triển bản thân. Song khi trở về gia đình, vẫn hoàn thành các nhiệm vụ mà thiên chức đã giao là tổ chức sắp xếp các hoạt động trong gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh, từ năm 2016 – 2021, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm và quyền công dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chủ động, có chính kiến trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, tham gia HĐND tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, cấp tỉnh có 8/50 đồng chí đạt tỷ lệ 16% (tăng 4%), đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận có 3 nữ/7 đại biểu (đạt 42,85%), Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 có 15 nữ/53 đại biểu (đạt 28,3%). Có 66 cán bộ chủ chốt là nữ ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội được đề bạt, bổ nhiệm đều thể hiện được năng lực, trách nhiệm trong từng vị trí công tác. Thể hiện được tiếng nói đại diện chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với phụ nữ. Nhiều phụ nữ đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tham gia phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phụ nữ cũng là nhân tố tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát triển sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, góp phần xây dựng Bình Thuận thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Ngoài ra, phụ nữ chủ động vận động người thân và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện 833 công trình, phần việc, với tổng số tiền 12,2 tỷ đồng…
Phụ nữ đã luôn cố gắng sắp xếp cuộc sống và công việc sao cho hài hòa và cân bằng, đặc biệt là năng động, sáng tạo, giữ gìn sức khỏe, nhan sắc... Tuy nhiên, để phát huy hết vai trò của mình, họ vẫn rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội. Trong đó người đàn ông trong gia đình cần có tư duy đổi mới. Hãy cùng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình, chia sẻ việc nhà, tạo cơ hội để phụ nữ có nhiều thời gian hơn vào các hoạt động khác, tạo sự bình đẳng trong xã hội.