Theo dõi trên

Phát triển kinh tế tập thể: Góp phần thực hiện tốt các chính sách phát triển

27/09/2024, 13:27

Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đây là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Hội nghị Trung ương lần thứ Năm (khóa XIII) của Đảng đã đã đưa ra tư duy nhận thức mới về kinh tế tập thể. Đó là về mặt hình thức tổ chức, kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên, trong đó: Tổ chức kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã là hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tập thể, là tổ chức kinh tế của những thể nhân, pháp nhân có nhu cầu, tự nguyện lập ra và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Tổ chức kinh tế tập thể hoạt động bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác. Nhà nước không can thiệp trực tiếp, mà chỉ quản lý hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể thông qua pháp luật và chính sách. Kinh tế tập thể có chức năng hoạt động có mục đích kinh tế - xã hội và nhân văn, không chỉ vì lợi ích kinh tế thuần túy. Kinh tế tập thể coi trọng lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các tổ chức kinh tế tập thể còn thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn. Cách thức đánh giá hiệu quả của kinh tế tập thể, trên cơ sở đánh giá hiệu quả của tổ chức kinh tế tập thể chủ yếu dựa trên số lượng, chất lượng thành viên tham gia, lợi ích tổ chức mang lại cho thành viên và cộng đồng. Và ý nghĩa của việc phát triển kinh tế tập thể, phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu ‏“‏dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.

Theo đó, Đảng ta xác định, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước. Về hình thức tổ chức, kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã….), trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của các thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế tập thể. Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và thành viên.

Để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển đạt được mục tiêu như đã chỉ ra, cần phải đồng bộ hệ thống các giải pháp mới từ đổi mới nhận thức, chính sách, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nâng cao hiệu lực, hiệu ququản lý của nhà nước và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ với một số chính sách cụ thể như: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai, chính sách tài chính, chính sách tín dụng, chính sách khoa học – công nghệ, chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách bảo hiểm xã hội...

Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, cụ thể đến năm 2030 là: cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ, sản phẩm nông nghiệp.

PV


(0) Bình luận
Bài liên quan
HTX thanh long Hàm Minh 30:  Hoạt động ngày càng có hiệu quả
Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 (HTX DVSX), xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam được thành lập từ năm 2015 đến nay, với 42 thành viên, do bà Lê Phương Chi làm Giám đốc HTX. Trong đó có 30 hộ thành viên với diện tích sản xuất 84 ha thanh long và 12 hộ thành viên liên kết sản xuất với diện tích 20 ha thanh long.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển kinh tế tập thể: Góp phần thực hiện tốt các chính sách phát triển