Theo dõi trên

Phú Lạc: Phát huy nội lực, tinh thần vươn lên của đồng bào Chăm

29/10/2024, 05:29

Phú Lạc là một xã miền núi trung du thuần đồng bào dân tộc Chăm với dân số khoảng 9.077 khẩu/2.295 hộ, trong đó hơn 2/3 dân số là dân tộc Chăm đang đổi thay từng ngày với diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Kết quả có được nhờ sự đồng lòng của chính quyền và người dân cùng phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần vươn lên của người dân chung tay xây dựng quê hương.

Đổi mới sản xuất

Mùa này, xã Phú Lạc nông dân tất bật mùa vụ sản xuất cuối năm. Trên các con đường liên thôn xe máy và xe tải nhỏ tấp nập ra vào chở táo, hành tím từ vườn đến vựa thu mua. Theo chia sẻ của nông dân, tuy thời tiết năm nay không thuận lợi với những trận mưa nắng thất thường khiến cho năng suất táo giảm và cây lúa cũng bị sâu bệnh tấn công. Nhưng nhờ vào kinh nghiệm sản xuất và các biện pháp phòng bệnh chủ động từ sớm cùng với giá nông sản ổn định nên thu nhập người dân vẫn đảm bảo. Xã Phú Lạc là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của huyện, chủ lực là cây lúa. Tính đến cuối tháng 9, toàn xã đã gieo trồng 2 vụ lúa khoảng 824 ha đã đạt 100% kế hoạch năm, năng suất lúa đạt 6,6 tấn/ha, sản lượng lúa ước đạt 5.438 tấn, đạt 92,8% chỉ tiêu của huyện giao. Đặc biệt, sản phẩm “Gạo Sông Lòng Sông” của cơ sở xay xát lương thực Mỹ Phố đã được phân hạng 3 sao trong chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP vào năm 2020 tiếp tục khẳng định chất lượng và thương hiệu nông sản của xã. Ngoài ra, xã còn có phát triển hiệu quả các loại cây trồng hàng năm duy trì ổn định diện tích hơn 45 ha các loại như hành tím, bắp, ớt đỏ… và hơn 60 ha diện tích các cây trồng lâu năm như nho, táo, thanh long.

Thôn văn hóa Lạc Trị.

Trong những năm qua, cộng đồng người Chăm ở Phú Lạc đã thể hiện tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế. Bà con không ngừng học hỏi, đổi mới phương thức canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp phát triển các loại cây trồng thế mạnh địa phương. Thời tiết nắng gắt và gió nhiều là bất lợi trong canh tác nhưng lại là điều kiện lý tưởng cho cây trái bản địa nơi đây như nho, táo thêm ngon và vị ngọt đặc trưng riêng. Đặc biệt, việc trồng táo bà con áp dụng kỹ thuật bao lưới, đưa vào trồng giống nho mới Hồng Nhật không chỉ giúp nông dân nơi đây gia tăng năng suất mà còn ổn định thu nhập, cải thiện đời sống. Theo ông Huỳnh Tấn Sinh, Chủ tịch UBND xã Phú Lạc cho biết, xã đang tích cực thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Dựa trên quy hoạch sản xuất nông nghiệp và nông thôn mới, địa phương chú trọng tổ chức lại sản xuất, áp dụng giống cây trồng và vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, cùng với việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

Động lực khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nhiều hộ dân Chăm tại xã Phú Lạc đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề và xây dựng nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể, theo Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, UBND huyện Tuy Phong đã ban hành Quyết định số 977, hỗ trợ cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 11 trong số 12 hộ được hưởng lợi đã nhận tổng số tiền 177,9 triệu đồng, trong đó 97,9 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 10 hộ và 80 triệu đồng xây dựng 2 căn nhà.

Tại thôn Lạc Trị, nơi có tỷ lệ người Chăm chiếm đến 78,62% dân số với 743 hộ/3.417 khẩu, bà con chủ yếu sống bằng nghề nông. Với 260 ha đất nông nghiệp, sản xuất lúa và các mô hình trồng cây táo, hành đã giúp nhiều hộ thoát nghèo. Trong 5 năm qua, thôn Lạc Trị đã có 40 hộ thoát nghèo, đồng thời tổ chức nhiều lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật, tạo việc làm cho hơn 1.850 lao động. Địa phương kết nối với các mạnh thường quân và doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 9 căn nhà trị giá 590 triệu đồng giải quyết khó khăn nhà ở, nâng cao đời sống người dân.

Cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình của Đảng và Nhà nước, thôn Lạc Trị còn được đầu tư 400 triệu đồng để sửa chữa và trang bị thiết chế nhà văn hóa. Bà con cũng tích cực góp công, góp của xây dựng 5 tuyến đường bê tông dài 485 m... Đặc biệt, hộ ông Mai Văn Đức đã đóng góp 1,230 tỷ đồng để xây dựng 4 tuyến đường dài 1 km, cùng góp sức vì sự phát triển bền vững của địa phương.

T.DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719) góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tỉnh ta nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chương trình, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phú Lạc: Phát huy nội lực, tinh thần vươn lên của đồng bào Chăm