Sự tăng trưởng lớn về số lượng khách du lịch
Phát huy lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, Bình Thuận đã xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn mang tính đột phá của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế vốn có. Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị cùng với điều kiện vị trí địa lý khá thuận lợi, Bình Thuận được đánh giá là tỉnh có nhiều nguồn lực phát triển kinh tế du lịch. Trong năm 2023, lượng khách đến với Bình Thuận đông hơn những năm trước. Tính đến 11 tháng năm 2023, Bình Thuận ước đón 7,9 triệu lượt khách, tăng 54,41% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế ước đón gần 238 ngàn lượt, doanh thu hoạt động du lịch trong 11 tháng đạt gần 20.505 tỷ đồng, tăng 69,11% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này càng khẳng định được sự tăng trưởng rất lớn về số lượng khách du lịch đến với Bình Thuận, nhất là sau khi được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và thông tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách đến Bình Thuận. Lượng khách đến với Bình Thuận càng đông cũng tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mức tăng trưởng này đạt được ngoài sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp đã thích ứng linh hoạt, tìm các giải pháp thu hút khách. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch gắn với triển khai công nghệ số, hệ thống du lịch thông minh phục vụ xúc tiến du lịch, đảm bảo tính tiện ích, hấp dẫn, thu hút lượng khách lớn từ các tỉnh đến với Bình Thuận tham quan, nghỉ dưỡng. Công tác phát triển sản phẩm du lịch kết nối, liên kết giữa các tỉnh, thành, khu vực cũng được quan tâm. Ngoài các sản phẩm du lịch biển như tắm biển, nghỉ dưỡng, bãi cắm trại du lịch, các trò chơi thể thao trên biển, tham quan các địa danh nổi tiếng, thưởng thức ẩm thực miền biển… các tour, tuyến mới cũng được hình thành và phát triển mạnh, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan. Đồng thời, tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch, thể thao, văn hóa, văn nghệ sôi nổi, đặc sắc phục vụ người dân và du khách…
Quản lý điểm đến và xúc tiến quảng bá
Xác định vai trò, trách nhiệm của địa phương và các chủ thể trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý điểm đến nhằm tạo ra môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của điểm đến, trong những năm qua tỉnh Bình Thuận đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, biện pháp trong quản lý điểm đến du lịch. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai thường xuyên gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời nhắc nhở và xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật đối với việc kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư kinh doanh. Đồng thời tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch tại một số thị trường trọng điểm du lịch... Tuy có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả khá tích cực nhưng nghiêm túc đánh giá thì công tác xây dựng và quản lý điểm đến du lịch còn nhiều hạn chế, bất cập, giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng sản phẩm dịch vụ chưa tương xứng, thiếu nhân lực có tay nghề… làm giảm sức cạnh tranh so với các điểm đến khác. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển, nâng cao năng lực quản lý điểm đến du lịch… Để thực hiện tốt công tác quản lý điểm đến, thời gian tới tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện các Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Huy động có chọn lọc các nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, khác biệt, khai thác các lợi thế về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, sự kiện quốc gia, quốc tế để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa các thông tin dữ liệu phục vụ. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, huy động sự tham gia quản lý từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả du khách. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp và gián tiếp phục vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới...