Đổi mới phương thức tuần tra, xử phạt nghiêm
9 tháng năm 2023, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 7.557 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, phần lớn là lái xe mô tô – xe máy và ra quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt hơn 41,1 tỷ đồng. Đây là con số cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, xử phạt nghiêm minh, kiểm tra nồng độ cồn một cách toàn diện, không có vùng cấm không có ngoại lệ mà lực lượng công an đang triển khai.
Việc triển khai kiểm tra nồng độ cồn trong cao điểm lần này cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây chỉ kiểm tra cố định một chỗ thì nay đã có thêm những tổ tuần tra lưu động. Khi phát hiện những trường hợp khả nghi, cố tình rẽ vào các tuyến đường khác thì lực lượng sẽ cử người đi theo. Điều này đã hạn chế tình trạng người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia né kiểm tra nồng độ cồn. Trong các buổi tuần tra, lực lượng CSGT cũng sử dụng camera được trang bị để ghi nhận lại mọi hoạt động trong công tác. Các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Điều này đã xử lý triệt để tình trạng người sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện cố tình chống đối, không hợp tác, bỏ xe rời khỏi hiện trường.
Sau nhiều tháng triển khai cao điểm về kiểm tra nồng độ cồn đã xuất hiện tình trạng các “ma men” thông báo vị trí của các tổ công tác thực hiện việc đo nồng độ cồn cho nhau. Khi biết vị trí, người vi phạm sẽ tìm các đường khác “né” vị trí tổ đo nồng độ cồn đang đứng. Để khắc phục tình trạng này, bắt đầu từ tháng 9, lực lượng CSGT sẽ tổ chức hóa trang (mặc thường phục) để trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Tổ CSGT mặc thường phục đứng cách tổ CSGT công khai một khoảng cách vừa đủ đảm bảo xử lý để ghi hình. Sau đó, CSGT mặc thường phục thông báo dấu hiệu nhận biết xe vi phạm qua bộ đàm và gửi hình ảnh cho tổ CSGT công khai dừng xe, xử lý. Trong ngày 14/9, trong đợt phối hợp kiểm tra nồng độ cồn giữa Cục CSGT, Bộ Công an với Công an tỉnh Bình Thuận, tổ CSGT mặc thường phục đã tuần tra trên các tuyến đường trên địa bàn TP. Phan Thiết và đã phát hiện nhiều trường hợp người vi phạm nồng độ cồn điều khiển xe né các vị trí mà lực lượng chức năng đang triển khai kiểm tra nồng độ cồn.
Quyết tâm hình thành văn hóa, thói quen
Sự vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm của lực lượng chức năng đã dần thay đổi ý thức của người dân trong khi tham gia giao thông. Hiện nay, nhiều người đã sử dụng các phương tiện công cộng để về nhà sau mỗi cuộc nhậu. Đây cũng là kết quả mà các ngành chức năng thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” vào tháng 3/2023.
Và mới đây, ngày 21/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 177-KH/TU để thực hiện Chỉ thị số 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các sở, ban, ngành, cán bộ, đảng viên... và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm TTATGT. Kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông...
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông... Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.