Theo dõi trên

Sao cha mẹ và thầy cô lại không thể ngồi lại với nhau?

17/06/2022, 07:20

Mối quan hệ phụ huynh và giáo viên có hài hòa, có tốt đẹp, mọi người đặt niềm tin vào nhau thì việc giáo dục con em mới được toàn diện. Bởi thế, việc cần nhất là phụ huynh và giáo viên nên thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp và lành mạnh.

Thế nhưng trong thực tế hiện nay, quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên đôi khi không được ấm êm mà nguyên nhân bắt nguồn từ những phụ huynh ứng xử chưa được khéo léo.

phu-huynh.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mang thầy cô ra làm chủ đề bàn tán

Ngồi ăn sáng, tình cờ nghe 3 người phụ nữ bàn bên nói chuyện với nhau. Câu chuyện làm tôi chú ý vì nói đến nghề nghiệp của mình.

Người phụ nữ áo hồng lên tiếng: “Cái con cô giáo dạy lớp con mình dữ như bà la sát. Hôm qua, con bé quên mang đồ dùng học tập, nó bắt đứng trước lớp làm con bé sợ muốn chết”. Người phụ nữ áo xanh hùa vào: “Hôm tao lên trường quát cho con cô giáo kia sợ đến xanh mặt”. Tao còn tuyên bố lần sau không nhẹ nhàng thế đâu!”. Nói rồi cô áo xanh kể lại nguyên do cô giáo ấy đánh con mình vì mặc sai đồng phục và nói chuyện trong giờ học.

Thế là chủ đề câu chuyện xoay quanh chuyện về thầy cô. Lạ ở chỗ, chuyện tốt chẳng thấy kể chỉ toàn là chuyện xấu. Quán ăn mỗi lúc một đông, thôi thì đủ thứ chuyện ở trường học được góp vào. Nào là đi học trễ bị cô la, không thuộc bài bị cô mắng, đánh nhau với bạn bị cô phạt…

Mọi người không trách con mình chưa tuân thủ nội quy trường lớp mà kết luận ngay thầy cô giáo độc ác, dữ dằn… Nói riết mang cả chuyện ăn mặc của thầy cô ra bàn tán: “Cô A. ăn mặc gì mà trông đến nhà quê”, “Cô B. lại se sua như người mẫu”.

“Thầy H. nhìn khó đăm đăm”… hết chuyện ăn mặc đến chuyện xe cộ, đẹp xấu… thôi thì đủ thứ chuyện trên trời, dưới biển về thầy cô được góp vào. Người cười hả hê, người tự đắc vì ra vẻ hiểu biết nhiều chuyện trong nghề. Khi đám người rời đi, chị chủ quán nói rằng ngày nào đưa con đi học, họ chẳng sà vào đây bàn tán, nói xấu thầy cô vài chục phút mới về.

Chị bảo mình nghe riết cũng thành quen chứ lúc đầu cũng khó chịu lắm. Chị cũng đã từng góp ý, ai đời thầy cô dạy con mình mà cứ mang họ ra làm đề tài buôn chuyện.

Làm thế để được gì? Không sợ thầy cô biết sẽ buồn lòng và không quan tâm đến con cái mình nữa sao? Thế mà có người nói cứng: “Sợ gì? Thời buổi này ai dám trù úm học sinh?”. Họ chỉ đúng một phần, chẳng có thầy cô nào lại dại đi trù úm học sinh khi bất đồng với phụ huynh. Thế nhưng chỉ cần không quan tâm đến các em (kiểu học sao cũng mặc, làm gì cũng được, nói năng, cư xử với bạn thế nào cũng chẳng sao) con cái họ cũng đã chịu thiệt quá nhiều rồi.

Sao cha mẹ và thầy cô lại không thể ngồi lại với nhau?

Câu ca “mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương” vẫn luôn đúng. Trẻ em đến trường nhờ sự dạy dỗ, chăm lo của thầy cô để lớn lên. Trẻ được chăm sóc dạy dỗ như tình mẹ thương con không chỉ sẽ học tốt còn giúp các em phát triển toàn diện.

Vậy nên, cha mẹ học sinh không có sự cảm ơn thầy cô đã hết lòng dạy dỗ con cái mình thì hà cớ gì cứ phải chọn cách đối đầu với giáo viên mới chịu? Việc trao đổi thông tin thường xuyên, thẳng thắn và chân tình giữa phụ huynh với giáo viên vừa giúp phụ huynh nắm bắt tình hình sức khỏe, học tập của con ở trường, vừa giúp thầy cô nhìn lại việc giáo dục, chăm sóc học sinh của mình ra sao để điều chỉnh.

Khi cả mẹ và thầy cô có sự thấu hiểu, cảm thông chính là lúc việc dạy dỗ các em đạt kết quả tốt nhất.

PHAN TUYẾT


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nghe và thấy: Chuyện sách giáo khoa
Những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, thời tôi còn là học sinh tiểu học, tôi còn nhớ rất rõ những bộ sách tôi dùng đều là của người anh họ hơn tôi 1 tuổi. Vì thế, gia đình tôi thời ấy không mất nhiều chi phí cho việc đầu tư mua sách giáo khoa (SGK) qua từng năm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sao cha mẹ và thầy cô lại không thể ngồi lại với nhau?