Theo dõi trên

Sông Dinh 3, mùa cỏ lau trổ bông

25/01/2024, 16:48

Thế nên, quang cảnh nơi tuyến kênh đi qua trở nên tươi mới, sống động, ý nghĩa, cảm giác như đang tham gia một tour du lịch nông thôn, tín ngưỡng, khi gần cuối tuyến kênh thấy khu vực Mộ Thầy Thím kề bên.

Điều ước đã thành sự thật

Hôm tuyến kênh Sông Dinh 3 – Núi Đất thông nước, sau hơn 5 năm thi công kéo dài, vì vướng đền bù…thì cũng là thời điểm cỏ lau mọc ven hồ, ven kênh và trên những cánh đồng thiếu nước của Hàm Tân, La Gi, trổ bông vàng sáng lung linh. Bông lau xuất hiện như một thông báo, vì thường đó cũng là lúc trời sẽ dứt mưa và hoa nở kéo dài 3 tháng đến tết hoặc qua tết, tùy năm. Với năm nay có nhuần nên chắc hoa sẽ nở qua những ngày mùng rồi tự rơi rụng theo những cơn gió của tháng giêng. Lúc này, nước có trong các ao hồ đang mất đi nhanh chóng, vì sử dụng mỗi ngày, vì bốc hơi. Những hồ có dung tích không ít nhưng cũng chẳng nhiều như hồ Núi Đất là 1 ví dụ chứng minh rất rõ điều đó.

ho-song-dinh-3-anh-nl-4-.jpg
Hồ Sông Dinh 3
z4984891008093_9644f377fd9e46cc7c5d2140fe9735f2.jpg
Bông cỏ lau rực rỡ ven hồ Sông Dinh 3

Chưa năm nào, từ khi hồ Núi Đất được xây dựng đến nay, lượng nước thực tế có trong hồ đạt dung tích thiết kế, hơn 9 triệu khối nước, thường chỉ dừng ở 50- 70%. Thế nên, năm nào La Gi cũng phải đong đếm nước, ưu tiên nước cho sinh hoạt, cho tưới thanh long. Có năm, rất hiếm, mưa trắng trời thị xã, nước hồ Núi Đất cũng chỉ đạt 95% thiết kế. Đó là năm dân La Gi ăn mừng cho sản xuất, vì không bị cắt giảm diện tích sản xuất lúa, không bị cắt phiên tưới thanh long. Bởi có nước là có lúa, có gạo để ăn. Có nước là có thanh long để bán, nhất là vào giai đoạn gần tết như này, giá thanh long đang lên như giá của bao hàng hóa thiết yếu khác của dịp tết.

lan_0503.jpg
Bông cỏ lau ven hồ Sông Dinh 3

Chúng tôi đi theo đường ven kênh chuyển nước Sông Dinh 3 – Núi Đất dài hơn 30 km được khởi công xây dựng vào năm 2017 nhưng đến đầu tháng 12/2023 mới có thể chuyển nước. Thế nên, quang cảnh nơi tuyến kênh đi qua trở nên tươi mới, sống động, ý nghĩa, cảm giác như đang tham gia một tour du lịch nông thôn, tín ngưỡng, khi gần cuối tuyến kênh thấy khu vực Mộ Thầy Thím kề bên. Nếu đi một đoạn nữa sẽ gặp dinh Thầy Thím, nơi hàng năm đón khách hành hương từ các tỉnh, thành đổ về. Nhưng sự uy linh của Thầy Thím không chỉ như thế, không chỉ thể hiện trong vùng không hề có một ngôi chùa nào được xây dựng từ lúc xa xưa ấy đến giờ, mà còn khiến khu vực hồ Núi Đất đẹp như một bức tranh quê. Núi Đất đứng 1 mình, đúng như tên gọi, vì cứ như ai đó nặn ra 1 hòn đất khổng lồ đặt ở nơi cao này nhìn xuống hồ phía dưới đang mênh mông nước.

z4984888317529_8aa577721f34e8bba4e141237b0fcbef.jpg
Hồ Núi Đất
z4984888418864_bd48a432196f98fb565ad69510cd0b4a.jpg
Hồ Núi Đất

Thời điểm này, sau nhiều ngày được tiếp nhận nước từ hồ Sông Dinh thuộc địa phận huyện Hàm Tân chuyển về, hồ Núi Đất thuộc địa phận thị xã La Gi đã đầy nước 100% theo thiết kế. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của hồ Núi Đất và cũng là niềm vui trọn vẹn đầu tiên ở La Gi. Nhớ thời điểm này năm ngoái, khi tuyến kênh đã thi công gần như xong, chỉ còn hơn 100 m nữa thuộc địa phận huyện Hàm Tân chưa thông được, vì vướng đền bù, người dân các xã Tân Tiến, Tân Hải ở thị xã La Gi sau 5 năm chờ đợi đã nâng lên thành điều ước khiêm tốn. Đó là được chuyển nước mùa mưa từ hồ Sông Dinh 3 về, giúp hồ Núi Đất trữ nước đạt thiết kế để có thể sản xuất vụ hè thu sớm một cách chủ động, thay vì phải chờ mưa mới dám sản xuất như lâu nay. Bây giờ, điều ước đó đã thành sự thật và hơn thế, còn có nước chuyển về Núi Đất trong 6 tháng mùa khô.

_lan0097.jpg
Bông cở lau

Điều ước từ Thắng Hải

Như thách thức cỏ lau đang trổ bông sáng lóa cả vùng, gió bấc cũng thổi liên hồi, đẩy từng mảng lục bình trôi về phía xa để lại mặt hồ Sông Dinh 3 sạch đẹp như vừa được dọn dẹp. Thời điểm gần tết này, hồ Sông Dinh 3 không bị “giặc” lục bình phủ kín như các thời gian khác trong năm nên có thể nói là yên bình. Hồ đang có khoảng 30 triệu khối nước, tương ứng ở cao trình 42.2 so với cao trình 43, vốn đã hoàn tất đền bù. Câu chuyện tiếp tục đền bù đến cao trình 46, tức giai đoạn 2 để hồ Sông Dinh 3 đạt dung tích thiết kế 60 triệu khối nước còn tiếp tục. Nhưng trước mắt, với 30 triệu khối, trong đó 20 triệu khối nước tự chảy đã giải quyết những bức xúc, những yêu cầu trước mắt. Đó là theo kênh chính Đông, nước được chuyển về hồ Núi Đất. Ngược lại, theo kênh chính Tây, nước được chuyển về Đập dâng Cô Kiều để Nhà máy nước Tân Thắng cung cấp nước sinh hoạt cho dân 3 xã ven biển của huyện Hàm Tân là Sơn Mỹ, Tân Thắng và Thắng Hải.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, tại kênh chính Tây đã lao xao chuyện chia nước cho sinh hoạt, cho công nghiệp, cho sản xuất. Nhưng chắc sẽ không thiếu như những người hay lo có bất trắc. Ngay Sơn Mỹ hiện đang hình thành 2 khu công nghiệp với nhu cầu nước dự liệu sẽ sử dụng cao lắm lên 30.000 khối/ngày đêm. Ở vùng mà các nhà đầu tư chọn này có nhiều ưu thế cho phát triển công nghiệp nhưng nước thì khó, phải tính trước tiên. Năm ngoái, khi có chủ trương đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ (Công ty IPICO), chủ đầu tư hạ tầng KCN Sơn Mỹ I đã đề xuất tự xây dựng tuyến ống cấp nước thô phục vụ cho nhà máy cấp nước sạch trong Khu công nghiệp Sơn Mỹ I.

Tháng 8/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến thống nhất về chủ trương cho công ty này nghiên cứu, khảo sát lập thủ tục đầu tư xây dựng tuyến ống cấp nước thô đến hàng rào Khu công nghiệp Sơn Mỹ I, huyện Hàm Tân bằng nguồn vốn của công ty, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy hoạch và quy định hiện hành. Tháng 11/2023, Công ty IPICO có công văn gửi các cơ quan liên quan về khảo sát thực địa vị trí đặt trạm bơm và hướng tuyến ống cấp nước thô về đến hàng rào Khu công nghiệp Sơn Mỹ I. Các cơ quan, đơn vị có liên quan đang tính toán chọn 1 trong 3 phương án mà Công ty IPICO đưa ra để triển khai bảo đảm nhất, cũng là tính đến nguồn nước ở hồ Sông Dinh 3.

Cách Khu công nghiệp Sơn Mỹ không xa, xã Thắng Hải, nơi mà ngay bây giờ đã cảnh báo thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Vì địa hình xã ở trên cao, lại xa nên nước của nhà máy nước Tân Thắng không thể chảy tới. Còn nước sản xuất thì thường khó, vì chưa có hệ thống thủy lợi nào. Thế nên giếng khoan rải khắp địa bàn xã, góp phần hình thành nên vùng cây trái nổi tiếng. Tuy nhiên, mùa này đều đang cảnh báo cạn nước. Trong cảnh ấy, người dân xã Thắng Hải lại nhắc tuyến kênh chuyển nước về xã vốn đã xới lên từ nhiều năm trước nhưng không hiểu sao, đến nay vẫn chưa khởi công. Trên các rẻo đất ở đây, cỏ lau nở sáng từng chòm, không khác gì lau ven hồ Sông Dinh 3. Bao giờ nước hồ Sông Dinh 3 về Thắng Hải? Đó là điều ước của Thắng Hải trong năm mới này, khi nước chuẩn bị về các Khu công nghiệp ở Sơn Mỹ.

Trên các rẻo đất ở đây, cỏ lau nở sáng từng chòm, không khác gì lau ven hồ Sông Dinh 3. Bao giờ nước hồ Sông Dinh 3 về Thắng Hải? Đó là điều ước của Thắng Hải trong năm mới này, khi nước chuẩn bị về các khu công nghiệp ở Sơn Mỹ.

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Nhật Bản miễn phí đại học cho nhà đông con
Theo nguồn tin của tờ Japan Times, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch miễn phí đại học và chi phí liên quan cho các gia đình có từ 3 con trở lên.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Dinh 3, mùa cỏ lau trổ bông