Bình Thuận không chỉ có bờ biển đẹp, đồi cát với sa mạc thu nhỏ, những danh lam thắng cảnh, chùa chiền nổi tiếng. Mà Bình Thuận còn nhiều hồ - thác đẹp như tranh vẽ, nên thơ thu hút du khách phương xa…Nói đến hồ nhiều người sẽ nhắc đến Bàu Trắng – Khu Lê Hồng Phong – Hòa Thắng bởi giữa sa mạc thu nhỏ với những đồi cát mênh mông lại xuất hiện hồ nước trong xanh sâu thẳm. Tuy vậy, ở Bình Thuận không chỉ có Bàu Trắng mà còn có hàng chục hồ khác với vẻ đẹp thơ mộng nhưng chưa được phát huy hết tiềm năng để phục vụ cho du lịch.
Câu chuyện là hôm rồi bạn tôi ở Mỹ về Bình Thuận nghỉ dưỡng dài ngày, sau những ngày rong chơi trên bãi biển Mũi Né, Bình Thạnh, Cam Bình, Kê Gà bạn hỏi tôi có chỗ nào hồ - thác – rừng hấp dẫn không để “đổi gió”. Tôi bảo bạn có mà nhiều, từ những hồ tự nhiên rộng cả ngàn ha như Biển Lạc nằm giữa 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh nơi đây chưa có điểm du lịch nhưng muốn đi tham quan thì có thể thuê thuyền của ngư dân đi ra hồ tham quan. Gần Phan Thiết thì có hồ Sông Quao, Hàm Thuận Bắc hay hồ Đu Đủ, Sông Móng ở Hàm Thuận Nam, hồ Sông Phan - Hàm Tân… là một trong những hồ chứa nước thủy lợi rất đẹp nhưng nếu bạn muốn đến tham quan và cắm trại nhớ xin phép Ban quản lý hồ vì nơi đây chưa có điểm du lịch chính quy. Với hồ Hàm Thuận – Đa Mi, nơi đây dù đã có giấy phép kinh doanh, có mua bảo hiểm tàu thuyền và con người để phục vụ du khách nhưng một số thủ tục khác đang hoàn thiện nên được xem là “điểm sáng” trong chuỗi phát triển du lịch “hồ - thác – rừng” mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã khảo sát và làm đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.
Với du lịch thác, ở Bình Thuận có Thác Bà là điểm du lịch “chính quy”. Còn thác 7 tầng ở xã Đa Mi mà khách du lịch hay gọi là “đệ nhất thác”, thác Reo Đức Linh vẫn còn vướng thủ tục như điểm du lịch hồ Hàm Thuận – Đa Mi nhưng vẫn là nơi đáng đến để chiêm ngưỡng. Đặc biệt thác Trượt ở xã Đức Phú – Tánh Linh, một địa điểm “lạ” khiến hàng ngàn khách phương xa tìm đến. Hầu hết các dịp lễ, tết hay ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật các điểm hồ - thác ở Bình Thuận có rất nhiều khách trong tỉnh, ngoài tỉnh tìm đến thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng dù các điều kiện cần và đủ cho hoạt động du lịch các nơi này vẫn còn thiếu rất nhiều, thậm chí là có nơi tự phát như ở xã La Ngâu nhưng vẫn có cả chục ngàn khách tìm đến. Câu hỏi là vì sao du lịch hồ - thác được gì mà du khách ưa chuộng?
Anh Nguyễn Phương - ở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh trả lời với tôi khá nhẹ nhàng: Gia đình mình đi Bình Thuận chơi với biển cả chục lần rồi, thích Bình Thuận nên nghe điểm du lịch mới là về La Ngâu ngắm sông, tắm trên dòng sông La Ngà để trải nghiệm. Cả nhà ai cũng thích. Với anh Nguyễn Thành, nhóm doanh nghiệp kinh doanh ô tô ở Bình Dương thì “Cả nhóm hơn 40 người thích cảm giác mới lạ, Bình Thuận là tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ, nghe có doanh nghiệp dám đầu tư du thuyền hoạt động trên lòng hồ nước ngọt. Là doanh nhân, tôi thích sự mới mẻ, đầu tư mạo hiểm nhưng cung cấp được dịch vụ tốt cho thị trường. Tôi đi du thuyền ở hồ Hàm Thuận – Đa Mi cảm giác như bao mệt mỏi được rửa sạch bởi không gian, thời gian và phong cảnh hồ - núi dịu êm làm cho bao toan tính trong người mất hẳn. Một chuyến du lịch nghỉ dưỡng rất ý nghĩa. Tôi sẽ học hỏi người dân Bình Thuận làm du lịch để đầu tư khu vực “tam giác vàng Bình Dương – Đồng Nai – TP. Hồ Chí Minh”… Với anh Tony quốc tịch Mỹ, sau chuyến nghỉ dài ngày trên các bãi biển Bình Thuận từ Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, La Gi, Phan Thiết đến tận Tuy Phong, anh đã có chuyến dạo chơi hồ - thác – rừng từ Đức Linh, Tánh Linh đến Hàm Thuận Bắc. Tony đúc kết: Du lịch Bình Thuận đang có quá nhiều tiềm năng, “thủ phủ” resort Mũi Né, Novaworld, vùng Kê Gà, Cam Bình đã thành công bước đầu. Nhưng du lịch phải phong phú, đa dạng. Tôi mong Bình Thuận hoàn thiện gỡ khó và hoàn thiện tính pháp lý để phát triển thêm mảng du lịch hồ - thác…