Theo dõi trên

Sức mạnh trang sách

09/09/2022, 06:05 - Lượt đọc: 366

Thấy tôi viết bài đề cập đến văn hóa đọc, một cô giáo dạy văn chuyển cho tôi cuốn tiểu thuyết Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa của Đới Tư Kiệt(*), nói nhà văn này viết về sức mạnh ánh sáng văn hóa từ trang sách qua cuộc đại cách mạng tư tưởng văn hóa Trung Quốc.

Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay Đới Tư Kiệt viết bằng tiếng Pháp với nhan đề Balzac Et La Petite Tailleuse Chinoise, do Gallimard xuất bản năm 2000 tại Pháp, vừa ra mắt đã được độc giả hâm mộ nồng nhiệt, nhanh chóng được dịch và xuất bản ở 25 nước trên thế giới, nhận 5 giải thưởng, đã chuyển thành phim. Đến năm 2003, tác phẩm này mới được dịch ra tiếng Trung và phát hành trong nước. Năm 2004, Phạm Văn dịch ra tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Anh Balzac and the Little Chinese Seamstress, của Ina Rilke, Alfred A Knopf xuất bản tại New York năm 2001.

balzac_4.jpg

Truyện viết gần như nguyên mẫu cuộc đời Đới Tư Kiệt khi ông cùng những học sinh phổ thông bị đưa đi cải tạo tư tưởng trong cuộc đại cách mạng văn hóa từ năm 1971 - 1974. Tác giả xây dựng những tình tiết lãng mạn trong trẻo cảm động của ba nhân vật chính trẻ tuổi là Mã, Lạc và cô bé thợ may đầy chất thơ nhưng vô cùng nhức nhối, buốt đau về bi kịch người trí thức. Qua đó tác giả nói về sức mạnh kỳ diệu của văn chương nghệ thuật trong bối cảnh cuộc đại cách mạng văn hóa cải tạo tư tưởng tàn khốc ở Trung Quốc.  

Không gian truyện là cái làng quê ở núi Phụng Thiên, đời sống nông dân ở đây vô cùng tăm tối, mông muội, lạc hậu đến mức chưa biết chiếc đồng hồ, chưa thấy cây vĩ cầm, bữa ăn có thịt xem là sự nhục nhã, tội lỗi, muốn được ăn ngon phải giấu giếm. Ngôi nhà ở, bên trên là người, bên dưới là heo. Bệnh viện “giống như trại tị nạn thời chiến, phòng bệnh vừa là nhà bếp. Xoong chảo, thớt, ấm nước, rau, trứng, lọ muối, chai xì dầu và giấm rải rác khắp nơi: giữa giường bệnh, chậu nước và giá sắt treo chai truyền máu”. Người dân mù chữ, dốt nát, nhưng luật pháp nằm trong tay họ để họ nắm quyền điều hành xã hội, làm thầy để giáo dục, cải tạo tư tưởng cho tầng lớp trí thức, văn minh – đặc biệt là “trí thức trẻ” ở thành đô đưa đến. Dẫu không biết gì, nhưng có quyền nhận xét, đánh giá. Những sáng tác đạt đỉnh cao văn hóa nghệ thuật nhân loại như của Balzac, Victor Hugo, Stendhal, Dumas, Flaubert, Baudelaire, Romain Rolland, Rousseau, Tolstoy, Gogol, Dostoyevsky, Dickens, Kipling, Emily Brontë… ở đây xem là thứ cần phải vứt bỏ, cấm kị, ai chất chứa nó là đồng nghĩa với tội lỗi, thối tha, phản động.

Mục đích đưa trí thức về nông thôn là để cải tạo tư tưởng, trong chiến dịch của người “Thuyền Trưởng Vĩ Đại… làm biến đổi đất nước tận gốc rễ. Đại học đóng cửa, tất cả “trí thức trẻ”, nghĩa là bọn con trai con gái tốt nghiệp trung học, bị đưa về thôn quê để được “cải tạo bởi bần nông”. Chỉ được tồn tại độc tôn duy nhất tư tưởng trong Sách Đỏ, xem là cẩm nang, là nguồn kiến thức duy nhất để học, để hành xử. Giữa lúc ấy, Sách Đỏ không thuyết phục được trí thức, mà chính cái va li sách của Bốn Mắt được xem là thứ rác rưởi ấy, lại là kho tàng văn hóa vô giá, bí mật mở ra cho Mã, Lạc và cô bé thợ may một chân trời tươi đẹp, khiến họ khát khao chiếm lĩnh, đam mê tiếp thu và chuyển biến tư tưởng để hành động theo những gì tốt đẹp không phải từ Sách Đỏ. Một sự tráo ngược nữa về việc cải tạo tư tưởng là chỗ nhân vật Lạc có tài kể chuyện, còn Mã có tài kéo đàn vĩ cầm, họ đã hấp dẫn và tác động với dân làng. Nhiều người mê đến nỗi đêm đêm lẻn đến nghe Lạc kể những câu chuyện từ trong sách – những trang sách xem là rác rưởi ấy. Ngay trưởng làng cũng ưu ái để cho Mã và Lạc đến thị trấn xem những bộ phim tình cảm để về kể cho ông và dân làng nghe. Hai cậu học trò trai trẻ đã dùng năng lực từ tiếng vĩ cầm và nghệ thuật kể chuyện đã đem ánh sáng văn minh đến làm cho cuộc sống dân làng ở nơi hẻo lánh tối tăm này bừng lên như tia nắng mùa xuân, làm tan dần lớp sương mù ảm đạm quanh năm bao phủ núi Phụng Hoàng.  

Sáng lên từ cuộc cải tạo tư tưởng là mối tình lãng mạn giữa Lạc và cô bé thợ may, thơ mộng nhưng có phần nguy hiểm. Một cô bé không biết chữ nhưng hồn nhiên xinh đẹp như bông hoa rừng hoang dại. Lạc và Mã đã đọc cho cô nghe những tiểu thuyết của Balzac và dạy cô viết chữ. Tác động cái hay của văn chương nghệ thuật đến từ trang sách, song hành với tình yêu lứa đôi, nhận thức len lỏi vào cảm hóa con tim, thức tỉnh trổi dậy cái tôi cá nhân, giúp cô biến chuyển tư tưởng, nhận ra chính mình, từng bước tiếp cận với cách sống của những người văn minh, biết tô điểm cho bản thân từ đôi giày đến áo lót mà người phụ nữ ở vùng hoang dã này chưa bao giờ biết đến. Giữa lúc cuộc đại cách mạng văn hóa cải cách tư tưởng đưa học sinh, sinh viên về nông thôn để bần cố nông giáo dục tẩy rửa chất trí thức tiểu tư sản thì cô bé thợ may không tên lại từ bỏ cái xứ sở mông muội hoang dã, bỏ cả người tình đã từng vượt qua những khổ nạn oái oăm với mình để về với thành đô. Dòng cuối cùng kết lại tác phẩm, tác giả nêu rõ điều tạo nên sức mạnh làm cô bé đi ngược mục đích cuộc cách mạng văn hóa: “Cô ấy nói đã học được một điều từ Balzac: rằng vẻ đẹp của phụ nữ là kho tàng vô giá”.

(*) Đới Tư Kiệt sinh năm 1954 tại Trung Quốc. Từ 1971 - 1974 ông bị đi học tập cải tạo như mọi thanh niên khác trong thời Cách mạng Văn hóa. Năm 1984, ông rời Trung Quốc sang sống ở Pháp cho tới nay.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đầu tư cho ngôi trường ven biển đạt chuẩn
Sơn Mỹ là xã bãi ngang ven biển, nằm trải dài hơn 7 km dọc quốc lộ 55. Toàn xã có 1.735 hộ với 7.786 khẩu định cư tại 4 thôn. Dân cư xã Sơn Mỹ phần lớn là đồng bào từ Quảng Trị vào lập nghiệp từ trước giải phóng, với bản tính cần cù, chịu khó làm ăn.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức mạnh trang sách